Cảnh báo mã độc sẽ trở thành hiểm họa đối với các doanh nghiệp vào năm 2022

author 06:22 22/12/2021

(VietQ.vn) - Cảnh báo mã độc không còn là hiện tượng mà sẽ thành hiểm họa đối với các doanh nghiệp trong năm tới, nhất là khi thời đại chuyển đổi số lên ngôi.

Năm 2022 là năm của chuyển đổi số của doanh nghiệp. Vì thế, cảnh báo mã độc không còn là hiện tượng mà sẽ thành hiểm họa, nếu doanh doanh không có đối sách ứng biến kịp thời.

Theo báo cáo của VirusTotal, website về bảo mật thuộc Tập đoàn Alphabet - công ty mẹ của Google, năm 2021, mã độc tống tiền tăng gần 200% so với năm 2020. 

Cảnh báo hiểm họa của doanh nghiệp năm 2022 là mã độc tống tiền

 

Tại hội thảo "Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng" do Bộ Công an phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức mới đây, các chuyên gia cảnh báo, doanh nghiệp lẫn người dùng sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ trên không gian mạng, đặc biệt là ransomware hay email lừa đảo (phishing). 

Trước đó, hãng bảo mật Kaspersky đã lên tiếng cảnh báo số lượng người dùng bị tấn công bởi phần mềm tống tiền có mục tiêu đã tăng tới 767% so với năm 2019. Hai nhóm phần mềm tống tiền có mục tiêu nổi tiếng nhất trong giai đoạn này là Maze và Ragnar Locker. Chúng không chỉ mã hóa mà còn đánh cắp dữ liệu, sau đó đe dọa sẽ công khai các dữ liệu mật nếu nạn nhân không trả tiền chuộc.

Trong đó, WannaCry vẫn là nhóm phần mềm tống tiền thường gặp nhất. Mã độc này nhắm tới hàng chục nghìn người dùng và thông thường chỉ yêu cầu các nạn nhân trả một khoản tiền tương đối nhỏ để lấy lại dữ liệu. Phần mềm tống tiền dạng trojan này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2017 và đã gây thiệt hại ít nhất là 4 tỉ USD tại 150 quốc gia. Năm 2019, WannaCry chiếm 22% tổng số trường hợp người dùng bị tấn công bằng phần mềm tống tiền; con số này giảm xuống còn 16% vào năm 2020.

Năm 2022, Công ty IBM dự đoán các cuộc tấn công ransomware sẽ gia tăng gấp ba lần so với hiện nay. Không chỉ doanh nghiệp bị tấn công mà cả đối tác kinh doanh, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng, thậm chí chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Trong năm 2021, thế giới cảm thấy gánh nặng của sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng do các hạn chế COVID-19. Nhận thức được điều này, tội phạm mạng sẽ tìm cách tận dụng sự phụ thuộc nhiều của mọi người vào chuỗi cung ứng - cả ở cấp độ người tiêu dùng và doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng có nhiều “điểm mù” hoặc “kẽ hở” mà những kẻ tấn công có thể lợi dụng.

Sắp đến thời khắc chuyển giao giữa 2 năm, theo IBM, khi các tổ chức trên toàn thế giới chậm lại trong kỳ nghỉ lễ và phải chuyển đổi môi trường làm việc, sự xao nhãng sẽ tạo cơ hội cho tội phạm mạng xâm nhập vào mạng lưới mà không gây nghi ngờ. Kết quả là vào năm 2022, các cuộc tấn công mạng và những xâm phạm ban đầu sẽ “hiện nguyên hình”. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại nghiêm trọng, thậm chí phá sản.

Để phòng thủ trên không gian mạng, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty bảo mật NTS nhấn mạnh: Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có tham gia trong các chuỗi cung ứng sản xuất, dịch vụ nên sử dụng dịch vụ an toàn bảo mật, đồng thời xác minh độ an toàn phần mềm chuỗi cung ứng đó; nên diễn tập an ninh mạng để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống tấn công mạng xảy ra. 

Với người dùng cá nhân, nên thường xuyên cập nhật phần mềm, chú ý tới các cảnh báo từ phần mềm bảo mật; cảnh giác trong truyền thông, giao tiếp; sử dụng mật khẩu phức tạp và xác thực 2 yếu tố; cài đặt một giải pháp bảo mật đáng tin cậy cho các thiết bị, kể cả điện thoại di động...

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang