Cảnh báo thuốc Clorocid TW3, Tetracyclin TW3 không đạt tiêu chuẩn chất lượng

author 05:14 20/08/2023

(VietQ.vn) - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành công văn thông báo về hai loại thuốc Clorocid TW3, Tetracyclin TW3 thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Theo đó, Cục Quản lý Dược vừa đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm trên nhãn ghi viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid), SĐK: VD28109-17, nhà sản xuất: Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3, có quy cách đóng gói lọ 400 viên, ghi ngày sản xuất từ sau ngày 1/1/2021 đến nay và viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD25305-16, nhà sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3, ghi ngày sản xuất từ sau ngày 15/9/2019 đến nay.

Theo Cục Quản lý Dược, cả 2 loại thuốc nêu trên đã được Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Cao Bằng và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Thái Bình lấy mẫu kiểm định. Kết quả các mẫu thuốc đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định tính, định lượng và độ hòa tan.

Công văn nêu rõ, báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh thuốc viên nén Tetracyclin TW3, số GPLH: VD-28109-17 và viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), số GPLH: VD-25305-16, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 khẳng định từ ngày 1/1/2021 đến nay, đơn vị này không sản xuất lô thuốc viên nén Tetracyclin TW3 nào có quy cách đóng gói lọ 400 viên.

 Cục Quản lý Dược lên tiếng cảnh báo về hai loại thuốc kém chất lượng

Cùng với đó, báo cáo cũng khẳng định, từ ngày 16/9/2019 đến nay, cũng không sản xuất bất kỳ lô thuốc viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16 nào.

Như vậy, các sản phẩm trên nhãn ghi viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), SĐK: VD-28109-17, có quy cách đóng gói lọ 400 viên, ghi ngày sản xuất từ sau ngày 1/1/2021 đến nay và các sản phẩm trên nhãn ghi viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16, có ghi ngày sản xuất từ sau ngày 15/9/2019 đến nay, đều là thuốc giả.

Theo đó, Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các địa phương: Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (định kỳ và đột xuất) việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu, thuốc mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ;

Xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng (cơ quan công an, quản lý thị trường, hải quan, ban chỉ đạo 389 của tỉnh, thành phố…), tiến hành cao điểm thanh tra, kiểm tra đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc trên địa bàn, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm;

Chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng; báo cáo kịp thời các vụ việc phát hiện tới Sở Y tế và cơ quan chức năng liên quan;

Sở y tế các địa phương phối hợp với sở thông tin và truyền thông tăng cường công tác truyền thông, phổ biến cho các cơ sở kinh doanh, người sử dụng thuốc chỉ mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc hợp pháp;

Không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tới cơ quan y tế và cơ quan có chức năng liên quan.

Được biết, Tetracyclin là kháng sinh có phổ tác dụng rất rộng, tác dụng nhiều vi khuẩn gram âm và dương, cả ưa khí và kị khí, xoắn khuẩn và vi khuẩn nội bào Clamydia, rickettsia, Mycoplasma.Thuốc cũng có tác dụng lên cả cácvirus mắt hột, sinh vật đơn bào và ký sinh trùng sốt rét. Tuy nhiên hiện nay ít dùng nhất là các bệnh do vi khuẩn gram dương vì tỉ lệ kháng thuốc rất cao. Cơ chế tác dụng: tetracyclin có tác dụng kìm khuẩn là do ức chế sự tổng hợp protein của tế bào vi khuẩn bằng cách gắn vào phần 30S của ribosom nên ức chế gắn aminoacyl-ARNt mới vào vị trí tiếp nhận.

Còn Clorocid 250mg là một nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng nấm được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực y tế dùng để điều trị các bệnh: sốt thương hàn, phó thương hàn, nhiễm salmonella, lỵ, nhiễm brucella, nhiễm trùng tiểu, viêm phổi, viêm màng não, viêm loét đại tràng, viêm ruột, bệnh hoa liễu.

 Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang