Cảnh báo năm 2022, lạm phát đè nặng lên mỗi người dân

author 06:18 21/11/2021

(VietQ.vn) - Bức tranh kinh tế năm 2021 là thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, tuy nhiên về cuối năm, nhiều mặt hàng đang trên đà tăng giá, tạo áp lực lớn đối với sản xuất, tiêu dùng.

Sau khi giảm mạnh trong năm 2020, giá xăng dầu đã leo một mạch lên gần 25.000 đồng/lít xăng RON95, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Giá gas trong nước cũng có 10 đợt điều chỉnh với 8 lần tăng giá, 2 lần giảm giá khiến giá bình quân 10 tháng tăng 23,81% so cùng kỳ, tác động làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm.

Giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến giá cả tiêu dùng, giá xăng là yếu tố đầu vào của nhiều lĩnh vực quan trọng nên tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế một cách trực tiếp và gián tiếp.

 Giá cả hàng hóa chịu sức ép lớn

Các ngành sử dụng nhiều nhiên liệu như ngành vận tải, logistics, đánh bắt cá… sẽ chịu tác động trực tiếp. Ảnh hưởng gián tiếp là các ngành sản xuất do quá trình vận chuyển hàng hóa lưu thông phát sinh chi phí vận tải. Vì vậy, nếu giá xăng tăng 10% sẽ tác động làm GDP giảm 0,5 điểm phần trăm và làm tăng giá cả dịch vụ hàng hóa khiến CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng nhận định, xu hướng tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và khiến giá thành phẩm cao hơn, qua đó đẩy giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi chúng ta xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác.

Là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, độ mở cao, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Trong xu hướng phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới, giá dầu đã tăng rất mạnh, cùng với xu hướng tăng giá lương thực, thực phẩm và các hàng hóa khác vì đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối mặt với lạm phát cao, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã phải dừng chính sách nới lỏng tiền tệ.

Tiến sĩ Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia cảnh báo, "Lo ngại về nhập khẩu lạm phát là có thật vì ảnh hưởng tương đối đến tỷ lệ lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt chú ý đến giá dầu, vì nó lan tỏa đến tất cả các ngành. Giá dầu đóng góp 1 điểm phần trăm đến lạm phát ở Việt Nam - đây là điều chúng tôi cố gắng phân tích và lượng hóa được ảnh hưởng của giá dầu. Trong khi đó, thực phẩm không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát, giá thực phẩm biến động tăng nhanh nhưng giảm cũng nhanh".

Tuy nhiên, giá kim loại cơ bản ảnh hưởng lớn vì là đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp, làm tăng chi phí sản xuất đầu vào nếu như phải nhập khẩu. Điều đó ảnh hưởng tương đối lớn đến lạm phát, dù nó chỉ đóng góp 0,2 điểm phần trăm nhưng đây là điều các nhà sản xuất cần quan tâm.

Theo ông Thắng, thời điểm này “vấn đề kiểm soát lạm phát ở Việt Nam là cực kì quan trọng, kéo dài đến hết 2022 và bình ổn hơn vào 2023”.

“Nếu không đánh giá đầy đủ khả năng lạm phát thì chúng ta phải đối mặt với vấn đề lạm phát cao trong quý II và III của 2022. Nhìn chung cả năm 2022, lạm phát đều phải được lưu tâm”, chuyên gia này chia sẻ và gợi ý, nếu giảm được thuế xăng thì góp phần giảm giá xăng rất tốt. Điều này sẽ giúp chúng ta kiểm soát được, ổn định được lạm phát.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: Khi lãi suất bị ép hạ quá mức, ngân hàng thương mại sẽ ngày càng khó huy động tiền gửi. Ngoài ra, áp lực lạm phát của nền kinh tế đang rất mạnh. Con số thống kê chưa thể hiện hết được áp lực lạm phát, nhưng có thể thấy giá cả nhiều yếu tố đầu vào đang tăng cao, có loại tăng gấp 2, 3 lần trong một năm. Tất cả đều chờ đợi để phản ánh vào giá hàng hóa khi cầu tiêu dùng phục hồi. Hệ quả sẽ giống như đợt 2009-2011.

“Cung tiền tăng vọt, dẫn đến bong bóng giá tài sản vì thị trường tài sản phản ứng rất mau lẹ, đầu cơ vào thị trường chứng khoán, đất đai phản ứng rất nhanh. Sau đó, đến lượt lạm phát giá cả tiêu dùng. Khi đó, không có cách nào khác để kiểm soát lạm phát là phải tăng lãi suất. Như thế doanh nghiệp sẽ lại bị ảnh hưởng nặng nề, nợ xấu phát sinh, hệ thống tài chính suy yếu”, PGS.TS Phạm Thế Anh cảnh báo.

Do đó, những chính sách phục hồi, tăng cung tiền thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân dù rất cần thiết song phải tính toán liều lượng hợp lý để không gây tác động phụ.

Chính vì vậy, giải pháp trước mắt là theo dõi sát tình hình biến động giá cả thế giới để có quyết sách kịp thời. Trong sản xuất, do phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài nên không thể thay đổi ngay một sớm một chiều được. Tuy nhiên, vẫn nên khuyến khích và tạo điều kiện để DN giảm phụ thuộc nhập khẩu, chủ động hơn trong phần nguyên liệu đầu vào để giảm nguy cơ lạm phát.

Hoài Thương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang