Nguy cơ vô sinh, sẩy thai và ung thư từ dầu nhớt thải (kỳ 3)

authorDương Phương Ngọc 05:48 08/08/2016

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia môi trường, dầu nhớt thải nếu đưa ra môi trường mà chưa xử lý, thành phần chì có trong đó có thể gây vô sinh, sẩy thai, ung thư.

Sự kiện: Cảnh báo dầu nhớt kém chất lượng

Hủy hoại sức khỏe con người và môi trường

Hằng ngày có hàng nghìn lít dầu thải được người dân gom về xã An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) để tiêu thụ. Trên mạng internet có hàng loạt các trang thông tin rao vặt, đăng quảng cáo tìm mua dầu nhớt thải từ động cơ ô tô, xe máy với mức giá 4.000 VND/lít.

Sau khi được thu mua, bằng những công nghệ hết sức thủ công, số dầu thải này được tái chế sau đó tuồn ra thị trường với giá chẳng kém gì dầu mới. Nhớt tái chế có màu sắc đẹp, giống y như màu của dầu nhớt xịn, không người tiêu dùng nào có thể phân biệt được, thậm chí cả những chuyên gia về động cơ. 

C2 nhiễm chì vẫn bán tại Phú Yên: Có thể phạt tiếp nhà sản xuất URC(VietQ.vn) - Để C2 nhiễm chì vẫn bán tại Phú Yên, URC đã vi phạm về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật, có thể bị xử phạt từ 10 tới 50 triệu đồng tùy mức độ.

Theo những thợ sửa xe thì các đầu nậu gom dầu nhớt cũ dùng vài thao tác đơn giản, nhớt sẽ đẹp như mới, sau đó lại tuồn ra thị trường để người dân sử dụng.

Mới đây, một cuộc khảo sát chất lượng dầu nhờn động cơ lưu thông trên địa bàn Tp.Hà Nội, do Chất lượng Việt Nam thực hiện, kết quả ghi nhận được khiến nhiều người phải giật mình lo ngại. Trong tổng số 6 mẫu thử nghiệm có tới 03/6 mẫu, chiếm tới 50% có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Điều đáng nói, ngoài số lượng lớn dầu thải được tái chế lại để sử dụng (tạo ra các loại dầu nhờn không đảm bảo chất lượng), còn có một số lượng không nhỏ dầu nhớt thải bị đổ ra môi trường, gây ra những hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người thông qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trên bề mặt da. 

Thậm chí, chuyện các hộ sản xuất hoặc nông dân mua dầu nhớt thải về để tưới rau muống, diệt sâu rày cũng không phải là chuyện hiếm.

Chuyên gia về môi trường nổi tiếng - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh. Ảnh: Internet.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh – người có gần 30 năm nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề biến đổi khí hậu, đã được Hạ viện bang Hawaii (Mỹ) vinh danh vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực khoa học môi trường và biến đổi khí hậu, cho biết: Dầu nhớt thải là dầu sau khi sử dụng xong được thải bỏ, nó là chất nhờn có màu đen, quánh, không hòa tan trong nước, bền vững và có kim loại nặng như chì, kẽm và các chất hóa học độc hại. Bởi trong quá trình sử dụng dầu để bôi trơn các động cơ, dầu sẽ bị nhiễm bụi cũng như kim loại nặng – do mài mòn chi tiết máy hay nhiễm các hóa chất độc hại do quá trình carbon hóa khi vận hành động cơ…

Vì thành phần độc hại cũng như tính bền vững của dầu nhờn thải, cho nên khi dầu nhờn được thải trực tiếp ra môi trường mà chưa qua xử lý, có thể gây ra các tác hại tiêu cực tới môi trường và sinh vật.

“Ảnh hưởng của các vụ tràn dầu tới hệ sinh thái biển, chúng ta chưa phải chưa từng biết tới. Hơn thế nữa, kim loại nặng và chất độc hại từ dầu nhờn thải còn có thể ngấm sâu vào lòng đất mà hòa lẫn với mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước của con người” – TS Ninh nói.

Cũng theo TS Ninh, người cũng như các sinh vật sống khi nhiễm phải các kim loại nặng hay chất độc hại từ dầu nhờn thải có thể bị rối loạn chuyển hóa, thậm chí dẫn tới ung thư.

Ví dụ, thành phần chì có trong dầu nhờn thải, không tham gia vào phản ứng chuyển hóa của cơ thế sống. Khi đi vào cơ thể, chì có thể tích tụ. Dần dần nó sẽ  gắn chặt vào các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là hệ cơ xương, khiến cho quá trình đào thải càng chậm dẫn đến suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm chức năng não bộ mà không thể hồi phục, vô sinh, sẩy thai...

Hơn thế nữa, dầu nhờn thải mà chưa qua xử lý toàn diện lại đã đưa vào vận hành máy móc, xe cộ còn có thể làm các chất  độc phát tán trong không khí, theo gió hoặc khuyếch tán qua mưa gây hại trực tiếp lẫn gián tiếp đối với con người và môi trường.

Trong trường hợp, người nông dân lấy nước dầu thải tưới rau, TS. Ninh cho biết: các chất độc hại có trong dầu thải sẽ càng dễ dàng hơn thâm nhập vào cơ thể sống cũng như con người. Bởi vì, bên cạnh các đường như nhiễm vào nước ngầm thì dầu bẩn có thể bám trực tiếp trên thực phẩm và đi vào cơ thể con người nhanh và dễ dàng hơn qua đường tiêu hóa. Bởi vậy, các tác hại nó gây ra cũng có thể nhanh chóng thể hiện hơn.

Cần làm gì để ngăn chặn?

Với câu hỏidầu thải muốn tái chế lại để đưa vào sử dụng quay vòng cần đảm bảo những điều kiện nào”, TS.Ninh nhấn mạnh: “Có những dầu nhớt đã qua sử dụng quá nhiều lần, rất khó để có thể tái chế được nữa, do thành phần đầu dầu vào chưa đảm bảo”.

Để sản xuất, tái chế dầu gốc từ dầu thải, theo TS.Ninh có thể cần các bước sau:

Bước 1: Phân tích, lựa chọn dầu đầu vào, sau đó có thể dùng phương pháp hóa học để giảm đóng cặn ở các thiết bị thực hiện.

Bước 2: Tách nước và tạp chất bằng phương pháp đông tụ.

Bước 3: Chưng cất, tách các hydro carbon nhẹ (xăng, diesel) lẫn trong dầu thải đầu vào. Sau bước này, các chất ức chế xức tác có thế được loại bỏ trước khu dùng hydro tách tạp chất dầu. 

Bước 4: Chưng cất chân không để thu hồi dầu gốc. Bước 5: Xử lý màu, mùi dầu gốc để đạt yêu cầu đầu ra.

 Hằng ngày có hàng nghìn lít dầu thải được người dân thu gom. Ảnh: Internet.

Chia sẻ với Chất lượng Việt Nam, PGS.TS. Hoa Hữu Thu, Nguyên chủ nhiệm bộ môn Hóa học dầu mỏ, Đại học Khoa học Tự Nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: Các dầu nhớt hiện nay hầu hết có nguồn gốc từ dầu mỏ, có nhiều hydrocacbon khi thải ra môi trường sẽ rất độc hại vì nó khó phân hủy trong môi trường, ảnh hưởng tới động vật, sinh vật trên mặt đất.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia của Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng nhấn mạnh: Dầu nhớt là loại chất thải nằm trong danh mục chất thải nguy hại, vì vậy quy trình thu gom phải quản lý hết sức nghiêm ngặt. Dầu nhớt khó phân hủy, khi đổ ra môi trường mà không có biện pháp xử lý thích hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Thậm chí, nếu dầu nhớt được đổ lên bờ sông, mương máng,… sẽ tạo thành lớp màng nổi trên bề mặt nước, tạo ra các vùng "đất chết", vùng "nước chết", ngăn oxy khiến các loại thủy sinh (sinh vật sống dưới nước) có nguy cơ hủy diệt, không thể sống nổi.

Vì vậy, thiết nghĩ: Thu gom dầu nhớt thải là trách nhiệm không chỉ của Nhà nước mà còn là việc mà người dân, doanh nghiệp cũng cần tham gia vì ích lợi cho môi trường, cho sức khỏe con người và đặc biệt là thu hồi và tái chế lại dầu nhớt thải nói riêng hay các loại chất thải nói chung để đạt chuẩn theo quy định pháp luật.

Đồng thời, các đơn vị có chức năng tái chế dầu nhớt cần thực hiện việc báo cáo với Nhà nước và công bố minh bạch trên website của cơ quan Nhà nước lẫn doanh nghiệp.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang