Cảnh báo nguy hiểm khi dùng điện thoại trong lúc sạc pin

author 11:26 07/12/2022

(VietQ.vn) - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (đóng ở huyện Núi Thành) vừa cấp cứu một bệnh nhân bị bỏng nặng do điện thoại phát nổ. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tai nạn thương tâm khi vừa dùng vừa sạc điện thoại, do đó, người dùng cần chú ý an toàn khi sử dụng các thiết bị công nghệ.

Cụ thể, khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân N.M.T. (17 tuổi, trú ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) nhập viện trong tình trạng bỏng vùng cánh tay, vùng mặt và đầu.

Các y bác sĩ đã sơ cứu, rửa vết thương và xịt bỏng. Hiện sức khỏe của bệnh nhân ổn định và được chuyển đến khoa Ngoại Chấn thương để tiếp tục điều trị. Người nhà bệnh nhân cho biết, trong lúc T. đang vừa sạc pin vừa sử dụng thì điện thoại phát nổ dẫn đến bị bỏng.

Cảnh báo nguy hiểm khi dùng điện thoại trong lúc sạc pin.

Trước đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng tiếp nhận trường hợp V.V.T (Vĩnh Phúc, Hà Nội), vào viện với vết thương môi trên kích thước 2x2cm, vết thương dập nát ngón 1,2 mất hết phần mềm; cụt chấn thương ngón 1, vết thương ngón 3 tay trái, vết thương 3cm vùng cẳng chân bên phải, vết thương ô mô cái, rộng kích thước 5x2cm. Qua khai thác được biết, người bệnh bị chấn thương do điện thoại phát nổ khi vừa sạc điện thoại vừa chơi điện tử.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bệnh đã được bác sĩ kịp thời phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương. ThS. BS Nguyễn Hoàng Quân, Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao cho biết, người bệnh đã được tiến hành phẫu thuật xử lý mỏm cụt ngón 1,2; khâu vết thương ngón 3, xử lý vết thương phần mềm vùng ô mô cái và vết thương cẳng chân.

Trường hợp khác là nam sinh V.V.L (SN 2004 ở Thái Nguyên) bị thương nặng bàn tay trái do trong lúc sạc pin nạn nhân sử dụng điện thoại thì bất ngờ điện thoại phát nổ. Hậu quả khiến L. bị cụt gần hết bàn tay trái, chỉ còn ngón út. Ngay sau đó, L. được đưa tới Trạm Y tế xã rồi được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên phẫu thuật.

Theo chuyên gia y tế, các thiết bị sạc điện thoại thường có bộ phận đổi điện áp, đầu ra điện áp rất thấp. Tuy nhiên, nếu dây cắm hở, đầu cắm bị lỗi thì vẫn có thể gây nguy hiểm, việc này cũng đã được cảnh báo nhiều lần trên các kênh thông tin đại chúng.

Từ các trường hợp nêu trên, chuyên gia y tế khuyến cáo, tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi đang sạc để tránh sự cố. Để tránh những tai nạn thương tâm và đáng tiếc xảy đến người dùng cần lưu ý:

Kiểm tra chất lượng cáp sạc trước khi dùng: Trước khi cắm sạc vào nguồn điện, người dùng hãy kiểm tra thật kỹ xem cáp sạc có bị hỏng, đứt dây hay bong tróc lớp nhựa bảo vệ dây điện nào không. Các dây dẫn điện bên trong nếu bị hở do va đập, kéo căng sẽ rất nguy hiểm cho người dùng sạc. Nếu dây điện xuất hiện tình trạng trên đã đến lúc bạn nên bỏ ra một khoản để mua cáp sạc mới an toàn hơn.

Sử dụng sạc chính hãng, nguồn gốc rõ ràng: Có rất nhiều loại cáp sạc khác nhau được kinh doanh với nhiều mức giá trên thị trường, trong số đó có không ít loại kém chất lượng. Chính vì vậy, hãy tìm mua cáp sạc có nguồn góc rõ ràng ở địa điểm phân phối uy tín và chất lượng. Bên cạnh đó nên tìm mua cáp sạc phù hợp với dòng máy mà bạn sử dụng, không phải bất cứ loại cáp sạc nào cũng phù hợp nên phải lưu ý điều này.

Hạn chế dùng máy khi đang cắm sạc: Như thông tin đáng tiếc trên mạng về những vụ việc cháy nổ xảy ra khi vừa sạc vừa sử dụng điện thoại, người dùng tốt nhất nên từ bỏ thói quen nguy hiểm này. Các chuyên gia chỉ ra rằng, trong khi sạc điện áp trên điện thoại sẽ khá cao dẫn đến tình trạng nóng máy và nếu vẫn tiếp tục sử dụng, nhiệt độ máy tăng cao có thể dẫn đến tình trạng cháy nổ hoặc giật điện.

Không cắm sạc ở nơi ẩm ướt, dễ chập nổ: Dù trường hợp này rất ít gặp nhưng bạn nên lưu tâm đến, chẳng hạn như tay đang ướt nhưng cầm củ sạc và cắm sạc, để dây sạc rối quấn quanh củ sạc trong khi sạc... và còn nhiều trường hợp khác dẫn đến rủi ro không mong muốn trong quá trình sạc.

Bảo quản cáp sạc đúng cách: Bảo quản cáp sạc đúng cách sẽ giúp chất lượng cáp sạc được đảm bảo và quá trình sạc pin trở nên an toàn hơn. Hãy luôn giữ gìn cáp sạc ở những nơi khô ráo, tránh trường hợp nhét vào túi xách và ngăn kéo bừa bãi khiến cáp sạc bị va đập và hư hỏng.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang