Cảnh báo ô nhiễm từ xe máy: Kiểm soát khí thải chưa bao giờ cấp thiết đến thế

author 06:15 21/05/2025

(VietQ.vn) - Kiểm soát khí thải xe máy đang trở thành yêu cầu cấp bách trong bối cảnh ô nhiễm không khí đô thị ngày càng trầm trọng. Việt Nam đứng trước ngã rẽ quan trọng: hoặc hành động quyết liệt, hoặc tiếp tục đối mặt với gánh nặng bệnh tật, kinh tế và môi trường kéo dài nhiều thế hệ.

Theo thống kê đến tháng 9/2024, Việt Nam có khoảng 77 triệu xe máy đăng ký, tương đương 770 xe/1.000 dân, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Hà Nội hiện có 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh lân cận đổ về mỗi ngày. Thành phố Hồ Chí Minh cũng không kém cạnh với 7,5 triệu xe máy và 700.000 ô tô đang lưu hành. Đáng chú ý, hơn 50% số phương tiện đang sử dụng đã trên 10 năm, phát thải nhiều hơn gấp nhiều lần so với xe mới.

PGS. TS Nghiêm Trung Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (ĐH Bách Khoa Hà Nội) nhận định: “Phương tiện cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguồn phát thải lớn các chất ô nhiễm như CO, HC, NOx, bụi mịn PM2.5 và bụi nano. Những chất này không chỉ làm suy giảm tầm nhìn, gây ra hiện tượng ozon mặt đất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người như bệnh hô hấp cấp, kích ứng mắt, thậm chí ung thư do tiếp xúc với benzen”.

Một yếu tố quan trọng khiến khí thải tăng cao là tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên. “Càng tắc đường, càng nhiều khí thải được sinh ra do xe di chuyển chậm, tăng giảm tốc độ liên tục. Hành vi lái xe cũng góp phần, chạy ổn định thì phát thải ít hơn hẳn so với kiểu phanh gấp, tăng tốc đột ngột”, ông Dũng phân tích.

Theo bà Phùng Minh Nguyệt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Ô tô, Xe máy, Xe đạp Việt Nam (VAMOBA), hiệp hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương kiểm soát khí thải xe máy. “Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã ở mức báo động đỏ. Mỗi giờ cao điểm là hàng vạn chiếc xe nhả khói, mùi xăng dầu nồng nặc, đặc quánh giữa phố phường. Tác động tới sức khỏe cộng đồng, tuổi thọ người dân và chi phí y tế là không thể đo đếm”, bà nói.

Khí thải xe máy đang là một trong những "thủ phạm" chính gây ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn.

Trên thực tế, VAMOBA đã có những hành động cụ thể đồng hành với chính sách này. Hiệp hội đã khuyến cáo các đại lý xe máy đầu tư thiết bị kiểm tra khí thải, triển khai tại các trung tâm sửa chữa và bảo dưỡng để phát hiện sớm phương tiện gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, kiểm định khí thải chỉ là một phần của bức tranh lớn hơn. Theo nhiều chuyên gia, cần đi kèm chính sách hỗ trợ tài chính, đặc biệt cho nhóm thu nhập thấp – những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất và cũng ít khả năng chuyển đổi phương tiện. Một ý tưởng được đề xuất là mô hình “ngân hàng xe xanh”, cho phép người dân thuê xe máy điện với giá rẻ, tương tự như tại Bengaluru (Ấn Độ), nơi mô hình này đang rất thành công.

Cũng cần lưu ý đến nhóm lao động tự do, những người dựa hoàn toàn vào xe máy để mưu sinh. Nếu không có giải pháp thay thế hiệu quả, họ sẽ gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang phương tiện sạch. Dù Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước đầu với metro, BRT, xe buýt điện, nhưng thực tế cho thấy, giao thông công cộng chưa đủ sức thay thế xe máy.

Anh Nguyễn Văn Hùng – một nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi vẫn phải đi xe máy đến điểm gửi, sau đó mới dùng metro. Nếu không thuận tiện, tôi sẽ chọn đi xe máy cho nhanh”. Theo anh, Hà Nội cần mở rộng mạng lưới metro, tăng tần suất xe buýt và xây dựng làn đường riêng cho xe đạp thì mới tạo được chuyển biến.

Ngoài hạ tầng, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng là yếu tố sống còn. Nếu người dân không thấy rõ lợi ích, họ sẽ khó đồng thuận và tham gia. Các chuyên gia khuyến nghị: “Chính sách tốt đến đâu cũng sẽ thất bại nếu thiếu sự ủng hộ từ người dân”.

Một hướng đi quan trọng khác là tích hợp kiểm soát khí thải vào quy hoạch đô thị thông minh. Tại các quốc gia phát triển, kiểm soát ô nhiễm không khí không chỉ nằm ở việc đo khí thải xe mà còn gắn liền với giao thông thông minh, quản lý đô thị bằng dữ liệu thời gian thực và quy hoạch hạ tầng bền vững.

Gần 20 năm sau khi chủ trương kiểm soát khí thải xe máy được phê duyệt, Việt Nam mới bắt đầu những bước đi cụ thể. Lộ trình kiểm định là dấu hiệu tích cực, thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả thực sự, cần một chiến lược tổng thể và sự đồng hành của toàn xã hội.

Kiểm soát khí thải xe máy không chỉ là giải pháp kỹ thuật hay hành chính, đó là một phần trong chiến lược sống còn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hướng đến tương lai xanh – sạch – bền vững.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang