Cảnh báo thêm chiêu quảng cáo sản phẩm Bạch Liên Đường, người tiêu dùng cần đề phòng!

author 07:19 03/10/2021

(VietQ.vn) - Rất nhiều tin nhắn giới thiệu là khách hàng sử dụng sản phẩm Bạch Liên Đường điều trị khỏi nám, tàn nhang... được đăng tải quảng cáo nhưng mục đích của chiêu thức này cũng chỉ lừa dối người tiêu dùng.

 Một hình thức quảng cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật của sản phẩm Bạch Liên Đường. 

Trước đó, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã đăng tải các bài viết về sản phẩm mỹ phẩm, TPBVSK mang thương hiệu Bạch Liên Đường, do Công ty TNHH dược phẩm Hải Linh (Số 119 phố Nguyễn Trãi 1, P.Sao Đỏ, Hải Dương) sản xuất, được phân phối bởi Công ty TNHH Bạch Liên Đường (Số 152, đường Vũ Duệ, tổ 64, khu 6B, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Nội dung đăng tải đã phân tích, chứng minh dưới góc nhìn khách quan, cung cấp cho người tiêu dùng thông tin để cẩn trọng trước khi sử dụng sản phẩm mang thương hiệu này.

Trong quá trình tìm hiểu, PV ghi nhận thêm chiêu thức mới được tổ chức kinh doanh Bạch Liên Đường áp dụng để tiếp cận, lấy niềm tin từ người dùng. Đó là, trên mạng facebook, rất nhiều fanpage mang danh Bạch Liên Đường quảng cáo sai công dụng sản phẩm. Ngoài ra, tại các trang này cũng đăng tải tin nhắn của khách hàng với nội dung thông báo đã dùng thuốc điều trị khỏi nám, tàn nhang, đặt thêm thuốc, giới thiệu cho người khác...

Cụ thể, tại địa chỉ “Bạch Liên Đường - chuyên trị nám da, tàn nhang”, quảng cáo sản phẩm này tự hào là bí quyết giữ gìn sắc đẹp của phụ nữ, giúp người dùng có làn da sáng hồng như da em bé, giải quyết sạch nám, tàn nhang, đồi mồi, tái tạo và phục hồi da tổn thương... kèm theo rất nhiều tin nhắn, hình ảnh của khách hàng.

 Sản phẩm Bạch Liên Đường lợi dụng hình ảnh, tin nhắn khách hàng để quảng cáo.

Điển hình như tin nhắn của chị “Nguyễn Hoa” có nội dung: Sau khi dùng Bạch Liên Đường thì tình trạng nám, tàn nhang đã khỏi được 90%... Tin nhắn khác “NguyenChu” cũng khẳng định da đã hết nám; thêm tin nhắn của chị Đào cũng cho hay đã trị khỏi hoàn toàn nám mảng chỉ trong nửa liệu trình thuốc trị nám Đông y Bạch Liên Đường.

Hay dòng trạng thái được giới thiệu của chị Thắm (Lâm Đồng) thể hiện, chị này đã dùng nhiều loại mỹ phẩm, đi thẩm mỹ viện... khiến da tổn thương. Tuy nhiên, sau khi sử dụng liệu trình điều trị Bạch Liên Đường da đã cải thiện 70%. Ngoài ra, có rất nhiều tin nhắn Bạch Liên Đường khẳng định điều trị cho ai cũng khỏi...

Theo ghi nhận của PV, hầu hết tin nhắn được đăng tải cùng chung một mô típ, nội dung gần như giống hệt nhau, có chăng chỉ là khác tên khách hàng. Đó là, những người gặp các vấn đề về da như nám, tàn nhang... tuy đã sử dụng nhiều phương pháp để điều trị nhưng tình trạng da vẫn không được cải thiện, chỉ khi dùng bộ kem nám bôi, uống mang thương hiệu Bạch Liên Đường thì mới “đánh bay” tình trạng da đang gặp phải.

Dấu hiệu vi phạm của tổ chức kinh doanh Bạch Liên Đường còn thể hiện ở việc sử dụng hình ảnh TS. Vũ Khánh Vân  - nguyên Trưởng khoa 9, Viện Y học cổ truyền quân đội để lập fanpage “Bạc Liên Đường – Nám bay vĩnh viễn”. Tại trang fanpage này cũng đăng tải rất nhiều tin nhắn, chia sẻ sai công dụng của sản phẩm như: “Sau 16 ngày sử dụng thì da đã cải thiện 70%, chỉ cần kiên trì sử dụng sẽ khỏi”.

 Những nội dung tin nhắn chưa được kiểm chứng?

Quả thực, các tin nhắn được đăng tải rất nhiều, có sự tương tác 2 chiều giữa người bán và người dùng khiến bất kỳ ai đọc được nội dung cũng bị cuốn hút và mong muốn được dùng ngay bộ sản phẩm Bạch Liên Đường để có làn da đẹp như “quảng cáo”. Chỉ khi điều tra về bộ sản phẩm này PV mới nhận thấy đây chỉ là những “mánh” của tổ chức kinh doanh để bán hàng và thu lợi. Nhưng số đông người bệnh vì nghe lời “mật ngọt”, tin vào những tin nhắn trên sẵn sàng chi tiền mua bộ sản phẩm nám Bạch Liên Đường sử dụng mà không biết rằng sản phẩm này không phải là thuốc, không điều trị khỏi bệnh nám, tàn nhang và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Bởi, thực tế bộ 3 kem nám chỉ là mỹ phẩm, viên uống Bạch Liên Đường là TPBVSK chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không phải thuốc và không có tác dụng điều trị bệnh như những tin nhắn, bài đăng tải.

Tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, việc đăng tải hình ảnh, tin nhắn với danh nghĩa bệnh nhân để quảng cáo cho các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là không phù hợp với quy định của pháp luật.

 NPV 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang