Cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shioka vi phạm quy định về quảng cáo

author 05:58 29/04/2022

(VietQ.vn) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa cảnh báo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shioka đang quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.

Theo Cục An toàn thực phẩm, thời gian qua, trên một số website và trang mạng xã hội tại đường link: https://panclinic.vn/vien-sui-shioka/;https://sieuthisongkhoe.com/san-pham/shioka-duoc-pham-truong-tho; https://www.facebook.com/101893522479571/videos/291272789844211/ đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shioka với nội dung gây hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shioka do Công ty TNHH Dược liệu xuất nhập khẩu quốc tế Cúc Anh, địa chỉ số 469 đường Tự Tạo 1, Phường 11, TP. Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Sản phẩm được sản xuất tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Dược phẩm Trường Thọ, địa chỉ: Lô M1, đường N3, khu công nghiệp Hòa Xá, xã Lộc Hòa, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định. 

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo người tiêu dùng chưa mua, chưa sử dụng sản phẩm Shioka. 

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục. Trong quá trình cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên những đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như kinh tế.

Theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 29/3/2021 quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng được quy định từ trong các điều sau:

Điều 52. Vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không ghi đúng quy định dòng chữ và không đọc hoặc đọc không rõ ràng nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;

b) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thiếu một trong các nội dung: tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm, tác dụng chính và phụ đối với thực phẩm chức năng; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

c) Quảng cáo trên các thiết bị điện tử tại nơi công cộng; phát tán hoặc thuyết trình tại hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu thực phẩm không đúng với hồ sơ công bố hợp quy hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc hồ sơ tự công bố sản phẩm hoặc hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm có phát tán hoặc thuyết trình các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung theo quy định.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, được sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế;

b) Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;

c) Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 01 đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng;

b) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang