Cảnh báo tiếp xúc ngắn với ô nhiễm không khí cũng làm giảm khả năng tập trung

(VietQ.vn) - Mới đây các nhà khoa học tại Đại học Birmingham và Đại học Manchester của Anh đã đưa ra cảnh báo rằng, dù chỉ tiếp xúc với ô nhiễm không khí vài giờ cũng có thể làm giảm khả năng tập trung.
Cảnh báo suy gan cấp do tự ý ngừng thuốc điều trị viêm gan B
Thu hồi hơn 2 triệu sản phẩm bánh nướng do nghi ngờ nhiễm khuẩn Listeria
SeABank bổ nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo cấp cao
Theo Sci Tech Daily, các nhà khoa học phát hiện rằng chỉ vài giờ tiếp xúc với ô nhiễm không khí cũng có thể làm giảm khả năng tập trung, khiến việc nhận diện cảm xúc trở nên khó khăn hơn và suy yếu sự chú ý có chọn lọc. Những suy giảm nhận thức này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày và năng suất làm việc, làm dấy lên lo ngại về tác động lâu dài của ô nhiễm không khí.
Một nghiên cứu mới cho thấy tiếp xúc ngắn hạn với ô nhiễm không khí do bụi mịn (PM) có thể làm giảm khả năng tập trung và nhận diện cảm xúc của con người, khiến các hoạt động hằng ngày như mua sắm trở nên khó khăn hơn.
Các nhà khoa học phát hiện rằng ngay cả việc tiếp xúc ngắn với nồng độ PM cao cũng có thể làm suy giảm sự tập trung, tăng mức độ xao nhãng và ảnh hưởng đến hành vi xã hội.
Để nghiên cứu những tác động này, các nhà khoa học đã cho người tham gia tiếp xúc với không khí ô nhiễm, tạo ra từ khói nến, hoặc không khí sạch. Họ kiểm tra khả năng nhận thức trước và bốn giờ sau khi tiếp xúc, đo lường trí nhớ làm việc, sự chú ý có chọn lọc, khả năng nhận diện cảm xúc, tốc độ vận động tâm lý và khả năng duy trì sự chú ý.
Nghiên cứu - được công bố trên tạp chí Nature Communications - do các nhà khoa học từ Đại học Birmingham và Đại học Manchester thực hiện, cho thấy sự chú ý có chọn lọc và khả năng nhận diện cảm xúc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi ô nhiễm không khí, bất kể người tham gia thở bình thường hay chỉ thở bằng miệng.

Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Đồng tác giả, tiến sĩ Thomas Faherty từ Đại học Birmingham, nhận xét: "Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng rằng ngay cả tiếp xúc ngắn hạn với hạt bụi mịn cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực ngay lập tức đến các chức năng não bộ quan trọng đối với hoạt động hằng ngày, chẳng hạn như đi mua sắm hằng tuần".
Giáo sư Francis Pope, cũng từ Đại học Birmingham, cho biết: "Chất lượng không khí kém làm suy yếu sự phát triển trí tuệ và năng suất lao động, kéo theo những tác động kinh tế - xã hội nghiêm trọng trong một thế giới công nghệ cao vốn phụ thuộc vào trí tuệ ưu việt.
Năng suất giảm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, nhấn mạnh sự cấp bách của việc siết chặt các quy định về chất lượng không khí và thực hiện các biện pháp y tế công cộng để chống lại tác động tiêu cực của ô nhiễm đối với sức khỏe não bộ, đặc biệt là ở các khu vực đô thị có mức độ ô nhiễm cao.
Nhìn chung, nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ hơn về cơ chế mà qua đó ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến nhận thức, cũng như khám phá tác động lâu dài, đặc biệt đối với các nhóm dễ tổn thương như trẻ em và người cao tuổi.
Trên toàn cầu, ô nhiễm không khí là yếu tố rủi ro môi trường hàng đầu đối với sức khỏe con người, làm gia tăng tỉ lệ tử vong sớm. Tác động tiêu cực của chất lượng không khí kém đối với hệ tim mạch và hô hấp đã được công nhận rộng rãi, với các mối liên hệ với các bệnh thoái hóa thần kinh như đa xơ cứng, Alzheimer và Parkinson.
Liên quan tới tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam, dẫn Báo cáo Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (IHME), Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, ô nhiễm không khí đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng về nguy cơ tử vong và bệnh tật tại Việt Nam. Ngoài ô nhiễm không khí ngoài trời, ô nhiễm không khí trong nhà do khí thải từ các hộ gia đình cũng gây nguy cơ đến sức khỏe con người rất lớn, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Cụ thể, tại đây nhiên liệu sinh khối và than đá được sử dụng để nấu ăn và sưởi ấm là chủ yếu. Việc đốt nhiên liệu rắn trong nhà được xem là nguồn chính gây ra tình trạng ô nhiễm bụi mịn và thường được đánh giá bởi thông số bụi PM2,5. Giá trị thông số bụi PM2,5 càng cao thì tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng. Khói sinh khối làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi và các nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp trên ở trẻ dưới 5 tuổi.
Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, khi tình trạng ô nhiễm không khí lên mức cao, chỉ cần một buổi sáng ngoài đường hít thở có thể gây tác hại tương đương hút 2 bao thuốc lá.
Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi. Trong đó trẻ em, phụ nữ, phụ nữ mang thai, người già, người có thể trạng yếu, người đang mang bệnh là những đối tượng có nguy cơ cao bị suy giảm sức khỏe bởi ô nhiễm không khí. Mức độ ảnh hưởng đối với từng đối tượng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, nồng độ, loại chất ô nhiễm và thời gian phơi nhiễm.
An Dương (T/h)