Cảnh báo từ vụ bột ngọt giả, kém chất lượng, san chia, đóng gói lại đe dọa sức khỏe hàng triệu người

(VietQ.vn) - Hàng chục tấn gia vị, bột ngọt giả, kém chất lượng bủa vây bữa cơm người Việt. Làm sao để phân biệt, bài trừ sản phẩm bột ngọt san chia, đóng gói lại đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng?
Bộ Y tế: Bột ngọt mang nhãn hiệu KJMOTO và HAN'EI SURU bị tạm dừng bán, lưu thông và sử dụng vì vi phạm quy định
Nhiều nghiên cứu chứng minh bột ngọt là gia vị an toàn trong chế biến thức ăn
Thông tin bột ngọt Meizan bị thu hồi tại một số siêu thị: Công ty Nam Dương nói gì ?
Nhận biết bột ngọt san chia, đóng gói lại trên thị trường
Tình trạng san chia, sang chiết bột ngọt kém chất lượng tràn lan đang ngày càng nở rộ. Bên cạnh 2 sản phẩm bột ngọt giả, kém chất lượng của Công ty Famimoto Việt Nam vừa bị Bộ Y tế ra quyết định thu hồi, hiện trên thị trường còn tới 40 nhãn hiệu bột ngọt san chia, sang chiết, đóng gói lại kém chất lượng đang lưu thông không chỉ tại các chợ ở các tỉnh, địa phương mà còn cả trong các siêu thị ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn hơn 40 loại sản phẩm bột ngọt san chia, đóng gói lại trên thị trường.
Các loại bột ngọt này thường được trộn lẫn, san chia, đóng gói lại từ bột ngọt Trung Quốc hoặc các nguồn không rõ ràng, sau đó bán ra thị trường. Khi mua bột ngọt, kể cả bột ngọt bày bán tại các siêu thị, người tiêu dùng cũng cần cảnh giác, nên kiểm tra kĩ lưỡng thông tin trên mặt sau bao bì sản phẩm.
Nếu trên mặt sau bao bì có ghi các nội dung như: Đóng gói tại, hoặc Phối trộn tại, hoặc Hoàn tất tại, hoặc Cơ sở đóng gói, … thì chắc chắn đây là loại bột ngọt được các tổ chức, cá nhân tự trộn lẫn, san chia, đóng bao vào nhãn hiệu tự tạo ra, sau đó bán cho người tiêu dùng.

Mặt sau bao bì của bột ngọt Famimoto ghi Đóng gói tại.
Nếu trên mặt sau của bao bì chỉ thể hiện một trong các nội dung sau: Xuất xứ: Việt Nam, hoặc Sản xuất tại: Tên và địa chỉ công ty tại Việt Nam thì đây là các sản phẩm được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam.
Hiện nay, chỉ có 3 công ty sản xuất bột ngọt trực tiếp tại Việt Nam thông qua quá trình lên men các nguyên liệu tự nhiên như mía, khoai mì… đó là Công ty CP Hữu hạn Vedan Việt Nam, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Công ty TNHH Miwon Việt Nam (đã đổi tên thành Công ty TNHH Daesang Việt Nam).
Đường dây sản xuất, đóng gói bột ngọt giả kém chất lượng tại Phú Thọ vừa bị triệt phá

Công an Phú Thọ thu giữ 71.000 lít dầu ăn, 40 tấn bột ngọt, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam.
Bước đầu khai nhận tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam (hiện đã bị cơ quan chức năng tạm giữ để điều tra về hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm) cho biết đã mua nguyên liệu từ nhiều nơi, rồi đóng gói dưới các nhãn hiệu như Famimoto, Boat Brand, Fami Gold... Các sản phẩm đều do công ty tự công bố và tiêu thụ chủ yếu cho bếp ăn công nghiệp.
Trong đó, đối với bột ngọt, sau khi mua nguyên liệu bột ngọt từ Công ty TNHH Thương mại Quang Thanh (địa chỉ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), công ty Famimoto san chia, đóng gói vào bao bì nhãn hiệu thành hai loại:
- Bột ngọt Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore
- Bột ngọt Famimoto - nhãn hiệu bột ngọt hàng đầu Việt Nam, Công nghệ Nhật Bản

Các sản phẩm bột ngọt, hạt nêm… của Famimoto được trộn lẫn, san chia, đóng gói để bán ra thị trường.
Hiện nay, Bộ Y tế đã yêu cầu thu hồi toàn bộ sản phẩm bột ngọt của công ty Famimoto hiện còn trên thị trường và phối hợp với cơ quan công an xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Việc các doanh nghiệp sản xuất bột ngọt giả hay kinh doanh bột ngọt san chia, đóng gói lại nhưng cố tình che giấu nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm là hành vi gian dối, cố tình qua mắt người tiêu dùng để thu lợi, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng.
Ngoài ra, các cá nhân như chủ tạp hóa, nhà bán lẻ cũng nên thận trọng, không nên mua bán bột ngọt san chia, đóng gói lại vì tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng, bên cạnh rủi ro pháp lý vì không biết sản phẩm có đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định củ nhà nước đối với phụ gia thực phẩm hay chưa.
Một sản phẩm quen thuộc, có mặt trong gian bếp hàng triệu gia đình tưởng chừng vô hại lại có thể trở thành mối nguy tiềm tàng chỉ vì lòng tham của những kẻ gian thương. Trước khi cơ quan chức năng vào cuộc, người tiêu dùng cần tỉnh táo, cảnh giác và tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình bằng cách phân biệt, lựa chọn những sản phẩm gia vị thực phẩm uy tín, chất lượng, tránh những rủi ro không đáng có.
Hồng Anh