Mối nguy tiềm ẩn khi cha mẹ xin đơn thuốc bổ cho con từ 'thầy thuốc Google'
Thuốc giảm đau, hạ sốt có làm giảm kháng thể chống COVID-19?
Suy đa tạng do uống thuốc nam trị ‘bách bệnh’ trên mạng
Phát hiện loại thuốc có thể trị được mất mùi, mất vị do Covid-19
Gõ cụm từ 'thuốc tăng sức đề kháng cho trẻ' trên Google sẽ cho hơn 51 triệu kết quả, quả là một lượng thông tin khổng lồ để cha mẹ có thể tìm được một loại thuốc cho con mình. Nhưng thực tế, rất ít cha mẹ đưa con đi gặp bác sĩ để trẻ được kiểm tra và kê đơn cẩn thận.
Trẻ từ mầm non tới phổ thông đã được quay trở lại trường học, dù vui mừng nhưng nhiều phụ huynh vì lo lắng nguy cơ con bị hậu COVID khiến sức khỏe suy giảm hoặc có thể mắc COVID-19 và các bệnh lây truyền khác nên tự tìm mua các loại thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ.
Những thông tin tìm kiếm chủ yếu qua tra cứu trên Google, mạng xã hội hoặc truyền tai nhau. Dù quan tâm đến con là vậy nhưng rất ít cha mẹ đưa con đi gặp bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và kê đơn.
Chị Đào Kim Hoa (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, bé nhà chị được 3 tuổi, khi cháu mới được 20 tháng, chị đã cho cháu đi gửi trẻ. Nhưng mới gửi được hơn 1 tháng thì đúng dịp 30/4 năm 2021, sau đó trẻ nghỉ học vì số ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở Hà Nội. Hiện giờ, con chị Hoa đã 3 tuổi, cũng giống như bao phụ huynh khác, chị Hoa rất vui vì con được tới lớp đi học nhưng bên cạnh đó cũng bày tỏ sự lo lắng khi con chưa đến tuổi được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19.
"Tôi mua một số loại thực phẩm bổ sung về cho cháu uống để tăng sức đề kháng. Tôi cũng hỏi một số bà mẹ khác và tự tìm hiểu qua Internet thì mua chứ cũng không đi khám bác sĩ" - Chị Hoa cho biết.
Cũng rất vui vì con được đi học trực tiếp ở trường, chị Trần Kim Hằng (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) có con gái đang học lớp 2 cho biết: "Mừng vì con sẽ được đi học, tôi không phải vất vả học online suốt ngày cùng con nữa nhưng cháu chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 nên nguy cơ lây nhiễm vẫn cao, vì vậy tôi khá lo lắng. Tôi có nói chuyện và tìm hiểu thông tin qua mạng nên có mua một số loại vitamin cho con và vi chất dinh dưỡng mong con có sức đề kháng tốt để phòng tránh nhiễm bệnh. Tôi nghĩ, đây cũng là thuốc bổ nên không cần phải cho con đi khám bác sĩ", chị Hằng cho biết.
Không chỉ có chị Hoa, chị Hằng mà nhiều phụ huynh khác cho biết họ cũng tự tìm cách tăng sức đề kháng cho con theo "thầy thuốc Google".
Thông tin về tình trạng trên, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, nhiều phụ huynh tìm mua thực phẩm bổ sung để tăng sức đề kháng cho con là việc làm không cần thiết. Việc đảm bảo dinh dưỡng, môi trường sống cho trẻ mới là điều tốt nhất. Bởi không phải cái gì đưa vào người cũng là tốt, đặc biệt là thực phẩm bổ sung, đừng theo lời trên mạng mà có thể tiền mất tật mang.
Trong diễn biến liên quan tới việc bồi bổ cho trẻ trước và sau khi mắc COVID-19, hiện nay còn có nhiều phụ huynh nghe lời truyền miệng trên mạng đã bồi bổ cho con bằng đông trùng hạ thảo và sâm. Tuy nhiên, TS.BS Trương Thị Ngọc Lan - phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho rằng, khi trẻ đang mắc COVID-19, không nên tẩm bổ bằng đông trùng hạ thảo và sâm, chỉ dùng những bài thuốc đông y có công dụng giải cảm. Ngay cả khi trẻ đã khỏi COVID, cha mẹ cũng không nên dùng đông trùng hạ thảo và sâm vì có thể khiến trẻ dễ bị chảy máu cam.
Theo y học cổ truyền, cơ thể trẻ em có tính nhiệt nhiều hơn so với hàn, người rất nóng, trong khi sâm và đông trùng hạ thảo đều là những bài thuốc nóng nên không phù hợp để tẩm bổ cho trẻ.
Cũng theo TS Lan, sau khi trẻ khỏi COVID-19, có thể tẩm bổ bằng bài thuốc đông y, song phải có bác sĩ bắt mạch, kê toa, cho thuốc. Nếu dùng sai thuốc, sai cách, trẻ sẽ thêm nóng, người bứt rứt, khó ngủ, khó tập trung.
TS.BS Nguyễn Thị Thu Hậu - trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đa số trẻ mắc COVID-19 đều ở thể nhẹ, nên chăm sóc trẻ như thế nào để trẻ không mệt mỏi và mau phục hồi là điều rất cần thiết. Việc tăng cường miễn dịch, sức khỏe cho trẻ sẽ giúp trẻ mau phục hồi và chống lại dấu hiệu kéo dài của hậu COVID-19 về sau. Theo đó, phụ huynh nên chọn chế độ ăn đầy đủ chất, mềm và dễ tiêu hóa hơn.
Chế độ dinh dưỡng cần đầy đủ chất dinh dưỡng với 8 nhóm thực phẩm gồm nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng - xanh thẫm; cung cấp đầy đủ các vi chất, đảm bảo dinh dưỡng để giúp cho hệ miễn dịch của trẻ tốt hơn và mau khỏi bệnh. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt, tránh uống nước ngọt công nghiệp làm tăng phản ứng viêm, làm cơ thể mệt mỏi. Đặc biệt khi có chương trình tiêm chủng, phụ huynh cần cho con em mình tiêm chủng đầy đủ để phòng tránh bệnh tật.
Cha mẹ cũng nên tránh gây áp lực cho con trẻ, khiến trẻ bị căng thẳng, stress cũng là một nguyên nhân làm suy giảm miễn dịch. Yếu tố tinh thần cũng góp phần quan trọng nâng cao hệ miễn dịch nên cha mẹ cần tạo cho trẻ một đời sống tinh thần vui tươi, thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng.
An Dương (T/h)