Cánh cửa tiếp cận các thị trường trên thế giới mở rộng với nông sản Việt Nam

author 07:35 24/01/2023

(VietQ.vn) - "Chìa khoá" quan trọng nhất để khai thác hiệu quả, lâu dài thị trường xuất khẩu nông sản là tuân thủ các tiêu chuẩn mà đối tác đặt ra, đảm bảo sản xuất bền vững.

Cánh cửa tiếp cận các thị trường trên thế giới đã mở rộng với nhiều loại nông sản Việt Nam. Ảnh minh họa.  

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cánh cửa tiếp cận các thị trường trên thế giới đã mở rộng với nhiều loại nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, các thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam hiện nay như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản đều là những thị trường rất khắt khe. Do đó, các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu đều khuyến cáo, "chìa khoá" quan trọng nhất để khai thác hiệu quả, lâu dài thị trường là tuân thủ các tiêu chuẩn mà đối tác đặt ra, đảm bảo sản xuất bền vững.

 
Năm 2022, ngành nông nghiệp vẫn thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, ghi dấu những bứt phá về xuất khẩu nông sản, với kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2022 đạt 53,2 tỷ USD, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (51 tỷ USD).
 

Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu, việc các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mở cửa cho các loại trái cây Việt Nam mới chỉ là những bước đệm về cơ hội, không đồng nghĩa là trái bưởi nào cũng có thể xuất sang Mỹ hay trái sầu riêng nào cũng có thể xuất đi Trung Quốc.

Với trái sầu riêng Việt Nam, dù được thị trường Trung Quốc đánh gia cao nhưng cũng phải chịu áp lực cạnh tranh lớn với Thái Lan. Trong khi đó, trái bưởi vào thị trường Mỹ dù có tín hiệu tốt nhưng cũng chỉ mới tiếp cận được nhóm khách hàng nhỏ là người Việt sinh sống tại Mỹ mà chưa cung ứng được cho các chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ phục vụ người dân bản địa.

Bà Ngô Tường Vy cho biết, để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản bền vững đòi hỏi tất cả đơn vị tham gia chuỗi liên kết từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đều phải chủ động thay đổi, tích cực vào cuộc mới có thể thành công. 

Trong đó, người nông dân cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đạt các chứng nhận về sản xuất mà thị trường yêu cầu. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần thận trọng trong việc lựa chọn sản phẩm, tập trung vào việc đảm bảo chất lượng từng lô hàng chứ không chạy theo số lượng khi chưa xây dựng được các vùng nguyên liệu.

“Nhu cầu của thị trường mới mở cho trái cây Việt Nam còn rất lớn nhưng các vùng trồng trái cây của Việt Nam chủ yếu đang phân tán, rời rạc, chưa có sự liên kết để đạt được sự đồng đều về chất lượng cũng như duy trì sản lượng ổn định theo yêu cầu của hệ thống phân phối. Để khắc phục tình trạng trên, chỉ một vài doanh nghiệp không thể làm được mà đòi hỏi ngành nông nghiệp và các địa phương phải có quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng loại cây trồng trên cơ sở đánh giá nhu cầu thị trường và phù hợp với chiến lược phát triển chung", bà Ngô Tường Vy nêu kiến nghị.

Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 5 Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với các mặt hàng nông sản gồm sầu riêng, chuối, chanh dây, khoai lang và tổ yến. Điều này mở ra cơ hội rộng lớn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới.

Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm thách thức khi thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt về chất lượng an toàn thực phẩm. Do đó, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương sản xuất và Cục Bảo vệ thực vật để cấp và quản lý được mã số khoa học, minh bạch.

Các doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu cũng phải công khai, minh bạch, không khai gian lận, mượn mã số vùng trồng để xuất khẩu... Nếu bị phát hiện thì hệ lụy rất lớn, thậm chí bị hủy tư cách xuất khẩu, khi đó không chỉ một doanh nghiệp chịu thiệt hại mà cả ngành hàng đó sẽ bị ảnh hưởng xấu về uy tín.

Mai Phương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang