Cảnh giác với các chiêu gọi điện tư vấn bán thực phẩm chức năng

authorNgọc Nga 16:32 24/06/2021

(VietQ.vn) - Để bán thực phẩm chức năng hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng hình thức bán hàng online để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật.

Hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật.

Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng. Do vậy, không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.

 

Cảnh giác với chiêu gọi điện tư vấn bán thực phẩm chức năng

Chiêu gọi điện mạo danh là nhà thuốc đông y gia truyền

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hiện nay trên một số trang mạng và một số trung tâm tư vấn thường quảng cáo hoặc gọi điện đến số điện thoại của khách hàng mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền để tư vấn bán thực phẩm chức năng nhưng giới thiệu là thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định để lừa đảo người tiêu dùng. Các sản phẩm hay được quảng cáo nhiều nhất là xương khớp; sinh lý nam; tiểu đường; kích thích mọc tóc; trị mất ngủ...

Theo đó, nhân viên tư vấn thường nói với giọng mang tính hù dọa, do nắm bắt được tâm lý người bệnh thường hay lo lắng cho sức khỏe. Khi tư vấn bán hàng, nhân viên thường không cung cấp thông tin về địa chỉ của tổ chức sản xuất sản phẩm và chỉ bán hàng thông qua hình thức chuyển phát.

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thời gian qua, cơ quan này đã bắt và xử lý nhiều vụ, thậm chí có những trung tâm tư vấn viên chỉ là học sinh, sinh viên không có chuyên môn về khám, chữa bệnh. Do vậy, người tiêu dùng cần cảnh giác với thủ đoạn trên.

Tinh vi 'biến' đường nhập lậu thành đường nội địa để tiêu thụ, giải pháp nào để ngăn chặn?(VietQ.vn) - Thời gian qua, việc nhập lậu đường qua biên giới vẫn tăng theo chiều hướng phức tạp gây khó khăn trong công tác ngăn chặn và xử lý.

Cảnh báo chiêu trò gọi điện tự xưng bác sĩ lừa bán thực phẩm chức năng

BS Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, gần đây, bệnh viện nhận được một số thông tin của thân nhân bệnh nhân về việc có nhận được điện thoại của một số người tự xưng là bác sĩ yêu cầu về chương trình hỗ trợ thuốc của Bộ Y tế, hầu hết liên quan đến thực phẩm chức năng với cách thức hết sức tinh vi.

Thậm chí, khi người bệnh hỏi bác sĩ nào chỉ định thì những người này nêu tên bác sĩ đó một cách rành mạch khiến cho người bệnh, thân nhân rất dễ tin tưởng.

Phía Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp với các cơ quan chức năng và rà soát lại quy trình tại bệnh viện, qua đó khẳng định đây là trường hợp lừa đảo, giả mạo nhân viên y tế, bác sĩ của bệnh viện nhằm mục đích trục lợi.

Theo bác sĩ Việt, Bộ Y tế quy định bác sĩ điều trị không được phép kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc. Thực phẩm chức năng không phải là thuốc điều trị và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy luôn tuân thủ các quy định đó.

Bác sĩ Việt khuyến cáo, trường hợp có ai đó gọi điện thoại tư vấn về thực phẩm chức năng và nói rằng đây là chỉ định của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, thân nhân, bệnh nhân nên cảnh giác vì nhiều khả năng đây là những cuộc gọi lừa đảo để trục lợi. Khi nhận những cuộc gọi như thế này, bệnh nhân nên liên hệ bác sĩ điều trị để được tư vấn và chỉ định điều trị.

Tương tự, đại diện Bệnh viện Y Dược TP.HCM cho biết, mới đây, một số cá nhân cũng đã mạo danh, sử dụng đầu số điện thoại lạ, tự nhận là bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để tư vấn sức khỏe, khuyến cáo người bệnh không đến bệnh viện trong giai đoạn giãn cách xã hội, nên tự mua thuốc tại nhà hoặc hướng dẫn người nhà mua thuốc tại nhà thuốc ngoài bệnh viện để được giảm giá 50%, hoặc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để bác sĩ mua thuốc và gửi về nhà cho người bệnh.

Theo đại diện bệnh viện, sau khi làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền và rà soát lại tất cả quy trình tại bệnh viện, bệnh viện khẳng định đây là trường hợp lừa đảo, giả mạo nhân viên y tế nhằm mục đích trục lợi.

Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các chiêu trò gọi điện

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi: Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế.

Gọi điện thoại tự xưng là bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe. Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang