Cảnh giác với mỹ phẩm 'dởm' được 'đội mác' hàng Việt Nam chất lượng cao

(VietQ.vn) - Hiện nay trên thị trường xuất hiện hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm tự ý gắn logo hàng Việt Nam Chất lượng cao để “lòe” người tiêu dùng.
Sự kiện: Mỹ phẩm kém chất lượng
Tin cảnh báo ngày 27/11: Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả, mỹ phẩm 'rởm' trộn chất cấm
Mỹ phẩm giả, kém chất lượng và những 'hệ lụy' nhan sắc
Sở Y tế: Chưa phát hiện loại 'nước hoa bị thu hồi' trên địa bàn Hà Nội
Nhan nhản sản phẩm gắn logo “xịn”
Hiện nay dù không hề được Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC) xét cấp nhưng trên thị trường xuất hiện hàng loạt mỹ phẩm gắn logo Hàng Việt Nam Chất lượng cao). Điều này không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, mà nguy hại hơn, theo các chuyên gia y tế, hầu hết đều là mỹ phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Theo ghi nhận của báo Phụ nữ TP HCM, tình trạng tự ý gắn logo gặp nhiều nhất ở mặt hàng mỹ phẩm. Tại chợ Bà Điểm (H.Hóc Môn, TP.HCM), khi được hỏi có mỹ phẩm nào uy tín, chất lượng, người bán lập tức lấy sản phẩm kem trắng da - se khít lỗ chân lông và giới thiệu đây là sản phẩm uy tín vì đạt danh hiệu hàng HVNCLC hàng chục năm liền, không chỉ làm trắng da mà còn phục hồi da bị lão hóa, bay mất vết nám trên da chỉ sau bảy ngày sử dụng.

Sản phẩm mỹ phẩm được gắn logo HVNCLC. Ảnh: Sài gòn Giải phóng
Còn tại chợ Xóm Chiếu (Q.4), nhân viên gợi ý nên dùng kem Như Tiên của cơ sở sản xuất hóa mỹ phẩm M. X (Trường Thọ, Trường Long, Phong Điền, TP.Cần Thơ). Quảng cáo là mỹ phẩm cao cấp, trị mụn, nám, trắng da, tái tạo nhưng sản phẩm chỉ có giá 39.000 đồng. Để lấy lòng tin khách hàng, người bán chỉ vào logo HVNCLC trên vỏ hộp rồi khẳng định: “Có logo này chị yên tâm mà dùng, em bao chất lượng”.
Không chỉ có 2 địa chỉ trên có tình trạng tự ý gắn logo, tại các chợ ở TP.HCM như Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Xóm Củi (Q.8), Thái Bình (Q.1)… cũng được giới thiệu các sản phẩm gắn logo HVNCLC như kem Rojzy Jiali , nhau thai cừu phấn hoa Q-10, ốc sên - sữa dê Q-10 …Những người bán đều cho rằng chính chiếc logo nhỏ bé gắn trên sản phẩm đã giúp sản phẩm bán chạy hơn so với các sản phẩm không có logo.
Theo Hội Doanh nghiệp (DN) HVNCLC, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng làm giả logo HVNCLC, trong đó, lý do chính nằm ở quan điểm “bán được hàng bằng mọi giá”. Nếu 10 DN quan tâm đến danh hiệu HVNCLC thì đến 9 DN hỏi có cách nào để đạt danh hiệu một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn. Nghĩa là họ ít quan tâm đến chất lượng thực sự, chỉ muốn “đi tắt về ngang”.
Một cán bộ chuyên trách điều tra của Hội DN HVNCLC cho biết, nhiều DN khi bị phát hiện thường ngụy biện rằng không biết các quy định của hội. Tiểu thương khi nhập hàng thường dựa vào logo HVNCLC để biết sản phẩm có uy tín, chất lượng hay không. Nếu sản phẩm không đạt chất lượng, hội sẽ mất uy tín. Việc gắn giả logo HVNCLC là hành vi gian dối đối với người tiêu dùng và gây thiệt hại cho hội cũng như người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, kém chất lượng.
Người tiêu dùng lãnh đủ vì dùng phải hàng kém chất lượng
Theo báo Sài gòn Giải phóng, mỹ phẩm giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà nghiêm trọng hơn còn nguy hiểm tới sức khỏe và sắc đẹp của người tiêu dùng. Bệnh viện Da liễu trung ương thường xuyên phải tiếp nhận điều trị cho những bệnh nhân bị dị ứng và phản ứng với mỹ phẩm, trong đó không ít trường hợp bị tổn thương da rất nặng, khó có thể phục hồi.
Theo Bệnh viện Bạch Mai, hầu hết các loại mỹ phẩm đều chứa một số loại hóa chất, dù với hàm lượng nhỏ cũng có thể gây hại cho những người bị dị ứng với chất đó. Ngoài ra, một sản phẩm mỹ phẩm có thể an toàn với người này nhưng chưa chắc an toàn với người khác.
Thậm chí, một người dùng cùng một loại mỹ phẩm ở những thời điểm khác nhau vẫn có thể bị dị ứng, phản ứng, nổi mụn hay bỏng da do sức khỏe của cơ thể thay đổi, sức khỏe của làn da cũng thay đổi nên gây ra những phản ứng với các chất tiếp xúc tại từng thời điểm khác nhau.

Nguy hại từ mỹ phẩm giả, kém chất lượng. Ảnh minh họa
Ngay cả những người có cơ địa khỏe mạnh, khi tiếp xúc liên tục với những loại hóa chất lạ trong mỹ phẩm kém chất lượng đều bị tổn thương và mắc bệnh về da. Ngoài ra, những loại mỹ phẩm làm giả nhãn mác, thương hiệu được quảng cáo có tác dụng mạnh, hiệu quả cao thì đều có nồng độ hóa chất lớn, thậm chí có cả chì, thủy ngân... nên nguy cơ gây nhiễm độc, phá hủy da, làm khô da, sạm da đối với người sử dụng rất cao.
Để phòng ngừa nguy cơ dị ứng, nhiễm trùng da do mỹ phẩm gây ra, các chuyên gia về da liễu khuyến cáo không nên lạm dụng việc sử dụng mỹ phẩm trong làm đẹp, tuyệt đối không sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và đã quá hạn sử dụng. Trong quá trình sử dụng, khi thấy da có biểu hiện của việc dị ứng phải ngưng sử dụng ngay và dùng nước sạch rửa sạch da nhiều lần.
An Dương (T/h)