Chất lượng đường ống nước sông Đà: Bộ Xây dựng còn nợ lời giải thích

author 07:39 17/07/2014

(VietQ.vn) - Nói chất lượng đường ống nước sông Đà không đồng đều là chưa đủ, cơ quan giám định Bộ Xây dựng (XD) vẫn còn nợ dư luận lời giải thích thấu đáo.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Trước kết luận của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, Bộ XD, TS vật lý Nguyễn Văn Khải vạch ra hàng loạt nghi vấn yêu cầu cần phải làm rõ.

Có phải do công nghệ của Trung Quốc?

Được biết, đường ống nước sông Đà được sản xuất từ  loại vật liệu mới là composite cốt sợi thủy tinh.

Đoạn đường ống nước sông Đà bị vỡ. Ảnh: Báo Đất Việt

Mới đây, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng kết luận nguyên nhân liên tục có các sự cố liên quan đến đường ống dẫn nước Sông Đà về Hà Nội xoay quanh chất lượng đường ống không đồng đều, qua việc lấy mẫu thí nghiệm cũng như là đánh giá bằng cảm quan cho thấy bám dính của các lớp cấu tạo ống chưa tốt, về lâu dài dễ gây bong rộp, tách lớp ống, đây là nguyên nhân sâu xa về mặt chất lượng đường ống.

Nguyên nhân thứ hai là trong quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống, làm giảm khả năng bám dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống, lâu dài ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ống trong khai thác sử dụng (ví dụ ống bị xô lệch trong quá trình lắp đặt; gia tăng tải trọng tác động lên ống do thiếu một số tấm bê tông dàn tải tại hầm chui dân sinh; một số dị vật lẫn trong lớp cát đệm xung quanh ống có thể tác động bất lợi vào thành ống)...

Chiều 15/7, tại cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, nói về chất lượng đường ống nước sông Đà, ông Vũ Quý Hà, Tổng giám đốc Vinaconex  khẳng định: "Công nghệ sản xuất là của Trung Quốc nhưng chất lượng đường ống vẫn theo tiêu chuẩn của Mỹ".

Theo đó, chất lượng ống chưa đồng đều cộng thêm quá trình vận chuyển, lắp đặt cũng gây tác động bất lợi tới khả năng chịu lực, ảnh hưởng đến chất lượng ống. Ngoài ra, việc thi công xây dựng, vận hành Đại lộ Thăng Long cũng tác động lên chất lượng ống; vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có thể bị suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian.

Bình luận về những kết luận trên, TS Nguyễn Văn Khải nhận định: “Trước hết chúng ta cần phải thấy rằng việc sử dụng máy móc Trung Quốc hay của Ba Lan, của Đức… để sản xuất ra sản phẩm được quản lý theo tiêu chuẩn của Mỹ thì chẳng có gì là mâu thuẫn cả. Bằng máy móc Việt Nam, quy trình công nghệ của Việt Nam chúng ta vẫn có thể tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Mỹ. Chính vì vậy, đường ống vỡ hẳn rằng không phải vì dùng máy móc Trung Quốc mà không có sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Mỹ."

Ông Khải dẫn ra trường hợp ngay từ năm 1996, một chủ DN tại Việt Nam đã sang Trung Quốc mua máy móc, vật liệu composite về làm ống nước và ống dẫn chất thải. Kết quả, hơn chục năm trôi qua, ống dẫn chất thải dù để ngoài trời trải bao mưa nắng, bề dày vỏ không đồng đều nhưng ống vẫn chẳng bị bong thành nhiều lớp vì hỗn hợp bị lão hóa hay giãn nở nhiệt ở các vị trí là khác nhau. Tương tự, các ống dẫn nước cũng chưa hề bị vỡ lần nào.

Câu hỏi còn để ngỏ

Từ kinh nghiệm của mình, TS Nguyễn Văn Khải đặt câu hỏi: Đại diện Bộ Xây Dựng cũng như công ty Vinaconex nói là chất lượng ống “không đồng đều” thì là không đồng đều cái gì?

Chất liệu composite được tạo bởi một số bột vô cơ (gọi là bột đá), keo và sợi thủy tinh. Trong quá trình làm, người ta phải phết bột đá và keo lên các tấm lưới thủy tinh. Vậy sự không đồng đều ở đây là độ dày ở các vị trí khác nhau? Hay là tỷ lệ keo và bột đá ở các vị trí khác nhau? Hay là lưới thủy tinh đặt không đồng đều? Kỹ thuật cuốn ống như thế nào? Có gì sai sót? Kết luận của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cần phải cụ thể hơn, không thể sơ sài chung chung…

Mặt khác, về phía lãnh đạo Vinaconex thừa nhận nhập máy móc của Trung Quôc về để tạo ra các ống dẫn nước bằng composite. Vậy quy trình công nghệ này của ai? Vật liệu của ai? Chúng được bảo quản trước khi đưa vào sản xuất như thế nào? Ai giám sát quá trình sản xuất? Ai kiểm tra chất lượng và kiểm tra như thế nào? Nhất là công trình này lại được giải thưởng khoa học công nghệ thì hội đồng xét duyệt là ai?

Từ năm 1995 Viện Khoa học Việt Nam đã tạo ra nhiều loại sản phẩm composite ứng dụng trong quốc phòng, giao thông, y tế, biogas, sinh hoạt…Hiện nay rất nhiều vật dụng bằng composite đã được sử dụng kể cả làm vỏ máy bay.

“Thiết nghĩ Bộ XD phải trả lời từ góc nhìn khoa học đối với chất lượng kém của ống dẫn nước sông Đà. Chẳng nhẽ người của Bộ và Vinaconex lại không biết gì về composite mà lại đi nhập máy móc của Trung Quốc, mua nguyên vật liệu để làm ống dẫn nước sông Đà với lưu lượng rất lớn phục vụ cho 70.000 hộ dân? Tôi và rất nhiều người sẽ kiên trì chờ đợi câu trả lời của Bộ XD”, TS Nguyễn Văn Khải nói.

Hoàng Vũ (ghi)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang