Cháu tôi học lớp 2 nhưng 9 trừ 3 không biết vẫn được học sinh giỏi

author 06:28 02/08/2016

(VietQ.vn) - Hình như bây giờ các trường phổ cập học sinh giỏi. Tôi nghĩ vậy!

Quê tôi ở Quảng Ninh, hôm trước về quê, tôi nghe cháu tôi (vừa học xong lớp 2) khoe năm nay được học sinh giỏi. Tôi khá bất ngờ nên có hỏi lại mẹ cháu thì đúng là cháu được học sinh giỏi năm học vừa rồi.

Tôi còn nhớ, trước đó khoảng 2 tháng, trong lúc chơi đùa với cháu, tôi có đố cháu một số phép cộng trừ đơn giản như 9 - 3 bằng bao nhiêu, tôi không cho cháu dùng tay hay chân để đếm, bắt phải nhẩm bằng miệng thì mấy phút nó vẫn không trả lời được. Lực học của cháu tôi tôi biết khá rõ, ngoài môn toán ra thì những môn khác nó học ở mức trung bình. Thế mà không hiểu sao cuối năm vẫn được học sinh giỏi?

Học lớp 2, 9-3 không biết bằng bao nhiêu nhưng vẫn được học sinh giỏi. Nguyên nhân do bệnh thành tích hay do phụ huynh can thiệp với thầy cô, nhà trường? Ảnh minh họa

Tôi nhớ thời tôi đi học cấp 1, cách đây khoảng 20 năm, cả lớp nhiều lắm cũng chỉ được khoảng 3, 4 bạn được học sinh giỏi, còn lại tiên tiến không nhiều. Nói chung, thời đó được học sinh tiên tiến cũng là oách lắm, giỏi phải là trường hợp cực kỳ xuất sắc. Những bạn được học sinh giỏi thời ấy, tôi thấy gần như không có bài tập nào trong trương trình học mà không giải được, còn phải ắt óc suy nghĩ thì may chăng chỉ có bài toán sao.

Còn bây giờ, có lớp 40 học sinh thì có khi 30 em được học sinh giỏi, còn tiên tiến thì hầu hết đều được. Trường hợp mà bị đúp là vô cùng hiếm. Có lẽ bọn trẻ bây giờ học giỏi hơn mình ngày xưa, tôi nghĩ vậy! Nhưng tại sao cháu tôi 9 - 3 không biết bằng bao nhiêu mà vẫn được học sinh giỏi thì đúng là chuyện lạ đời. Hay ngày xưa người ta phổ cập lớp 9 rồi dần dần đến lớp 12, có khi bây giờ họ phổ cập cả luôn học sinh giỏi chăng. Tôi lại nghĩ tiếp.

Ngồi nói chuyện học tập của bọn trẻ với ông hàng xóm, ông ấy kể con trai năm nay lên lớp 8, cô giáo dạy tiếng Anh suốt một năm trời mà giờ hỏi nó còn không biết cô giáo tên là gì. Tôi nghe xong thấy cũng lạ, ông ấy bảo “anh cũng không hiểu thằng con anh nó bị làm sao nữa, chứ như anh năm nay 40 tuổi đầu rồi mà giờ vẫn còn nhớ cô giáo dạy mình lớp 1 tên là gì, hình thức ra làm sao”. Rồi ông ấy kể có đứa con nhà hàng xóm lên lớp 5 mà đến tên mình viết còn sai be bét.

Nói chuyện bọn trẻ chuẩn bị khai giảng. Tôi hỏi cháu tôi năm nay lên lớp 6 là mùng 5/9 cháu mới phải đi học à? Cháu tôi bảo qua tháng 8 là phải đi học rồi, làm gì được nghỉ đến ngày khai giảng mùng 5/9. Tôi hỏi sắp khai giảng cháu thích không, cháu tôi bảo “bình thường”, ngày hè chúng cháu cũng vẫn phải đi học mà.

Nghĩ tội cho bọn trẻ, nghỉ hè thì phải đi học nên đúng là chúng nó không còn thiết tha gì đến ngày khai giảng. Chẳng bù cho chúng tôi ngày xưa, được nghỉ trọn 3 tháng hè nên đến gần ngày khai giảng háo hức, hồi hộp lắm vì sắp được gặp bạn bè, thầy cô, cho dù hồi đó tôi học chẳng lấy gì làm giỏi giang, chăm chỉ.

Hôm trước cháu tôi được bố mẹ mua cho sách mới, cặp mới mà tôi thấy nó thật hờ hững, chỉ ngó qua một tí rồi đi chơi. Ngày xưa thời tôi đi học, lúc con đang nghỉ hè là bố mẹ phải chạy đi khắp xóm xin sách cũ của lớp trước cho con. Ôi, tôi nhớ như in cảm giác nâng niu những cuốn sách cũ của lớp mà mình sắp được học nó thiêng liêng, vui sướng thế nào. Sau khi ngắm nghía, xem nội dung bên trong có gì mới thì bạn nào cũng phải làm công việc là dùng giấy hoặc báo bọc lại những cuốn sách đó cho thật phẳng phiu, ngay ngắn, rồi dán tem lên từng cuốn sách.

Bây giờ thì năm nào phụ huynh cũng phải mua sách mới cho con, còn chả biết chương trình có thay đổi gì không. Nhà trường thường kiêm luôn đại lý bán sách.

Bạn đọc N.H

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang