Chế biến sâu - bài toán đưa cà phê Việt thoát cảnh xuất khẩu thô giá trị thấp

author 06:48 05/01/2022

(VietQ.vn) - Cà phê là một trong 6 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD, thuộc top 2 thế giới, nhưng chủ yếu ở dạng xuất thô chưa xứng với tiềm năng. Vì vậy, mục tiêu trong 10 năm tới, đưa kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 2 lần so hiện nay, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến sâu với giá trị gia tăng cao, tạo chỗ đứng trên thị trường.

 Cà phê Việt có chất lượng tốt nhưng chủ yếu xuất thô ra thị trường.

Cà phê là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu thuộc "tốp đầu" ngành nông nghiệp, một trong 6 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỉ USD/năm.

Theo ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), xuất khẩu cà phê Việt Nam lớn thứ hai thế giới, chiếm 8,3% thị phần xuất khẩu cà phê toàn cầu, chỉ đứng sau Brazil. Các thị trường xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam bao gồm: Châu Âu (EU), Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh.

Tại thị trường EU, Việt Nam là nhà cung ứng cà phê lớn thứ hai sau Brazil (22,2%), chiếm 16,1% thị phần về lượng. Đặc biệt, trong năm 2021, giá cà phê thế giới tăng nhanh đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thu về kim ngạch xuất khẩu rất khả quan, dù số lượng xuất khẩu giảm.

Tuy nhiên, cà phê Việt Nam ít chú trọng chế biến sâu, chủ yếu xuất khẩu thô ra thế giới với giá trị gia tăng thấp. Theo Vicofa, giá cho một tấn cà phê chế biến trung bình đạt gần 3.600 USD, trong khi giá cà phê nhân trên sàn chỉ đạt khoảng 2.400 USD.

Hiện nay, cà phê rang xay và hoà tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần, tạo ra nhiều cơ hội cũng như triển vọng ngành cà phê khi Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA đã ký kết. Trong đó, EU là thị trường tiêu thụ cà phê nhiều nhất, chiếm 40% tổng lượng và 38% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp theo là Đông Nam Á với 13%. 

Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, cà phê Việt Nam đã chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu cà phê của thị trường đông dân nhất thế giới này, bao gồm cả cà phê nhân, rang xay, hoà tan, uống liền… Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu cà phê đã qua chế biến chỉ chiếm số lượng ít ỏi trong tổng số khoảng 1,5-2 triệu tấn cà phê xuất đi mỗi năm. Điều này khiến cà phê Việt Nam bị thiệt thòi "kép" không chỉ về giá trị kim ngạch xuất khẩu, mà còn về thương hiệu.

Ông Nguyễn Văn Minh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết, thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Muốn phát triển ngành hàng cà phê cần đi theo hướng chế biến. Nhưng vấn đề phát triển thương hiệu hiện nay rất khó bởi thị trường đang có quá nhiều "người khồng lồ". Chính vì vậy, trong 10 năm tới, Vicofa đặt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5-6 tỉ USD, tăng gấp 2 lần so với kim ngạch xuất khẩu cà phê hiện nay, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến với giá trị gia tăng cao hơn. 

Theo Vicofa, hiện nay, cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn; 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm; 8 cơ sở sản xuất cà phê hoà tan, tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm; 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn, tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm.

 Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang