Chi cục TĐC Bình Định hướng đến kỷ niệm Ngày Đo lường Việt Nam 20/1

author 06:29 19/01/2022

(VietQ.vn) - Cùng với sự phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, hoạt động đo lường không ngừng phát triển theo từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Từ hoạt động hết sức kỹ thuật, ngành đo lường đã trở thành công cụ, giải pháp giúp doanh nghiệp chuẩn hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, “mở đường” đưa sản phẩm tiếp cận thị trường quốc tế.

Năm 2021, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, tuy nhiên được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và nhất là sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ công chức và người lao động, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bình Định đã đạt được những thành tựu đáng kể và hoàn thành mục tiêu đề ra. Đặc biệt trong năm 2021, đã được UBND tỉnh giao thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý phương tiện đo nhóm 2 trên địa bàn tỉnh Bình Định”. 

Mục tiêu chính của nhiệm vụ nhằm đánh giá thực trạng về công tác quản lý và sử dụng một số loại phương tiện đo nhóm 2 trên địa bàn tỉnh; đề xuất các giải pháp quản lý nhà nước về đo lường nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng; các giải pháp tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý phương tiện đo nhóm 2 trên địa bàn tỉnh như: Các loại cân, cột đo xăng dầu, công tơ điện, đồng hồ đo nước, xitec ôtô, taximet…

Hỗ trợ triển khai áp dụng và công bố sử dụng dấu định lượng V trên các sản phẩm phân bón sản xuất tại Nhà máy phân bón Long Mỹ. (ảnh Tân Sinh)

 

Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định” đã được UBND tỉnh phê duyệt, hằng năm, Chi cục đã thực hiện nhiều nội dung trọng tâm trong đề án trong đó có Chương trình đảm bảo đo lường, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác:

Rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quản lý nghiệp vụ kỹ thuật; thực hiện các giải pháp nhằm triển khai hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn đối với các phương tiện đo và đổi mới, chuẩn hóa phương pháp đo; tăng cường đào tạo chuyên sâu về đo lường cho đội ngũ nhân viên có tham gia hoạt động đo lường của doanh nghiệp.

Qua đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ, giảm phát thải ra môi trường, đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Hướng đến kỷ niệm “ngày Đo lường Việt Nam 20-1” và kỷ niệm 60 năm thành lập ngành TCĐLCL, tập thể Chi cục quyết tâm nỗ lực cùng toàn ngành, tiếp tục tư duy, sáng tạo để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa phục vụ doanh nghiệp và nhân dân. Đề ra những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nước và quốc tế.

Tân Sinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang