Chỉ dẫn địa lý: Gìn giữ và phát triển đặc sản Việt Nam

authorThảo Nguyên 14:54 16/12/2015

(VietQ.vn) - Để tăng cường giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nông sản là rất cần thiết.

Chỉ dẫn địa lý: “Chìa khóa” vàng nâng cao thương hiệu

Việt Nam là một nước nông nghiệp nhiệt đới nên rất giàu tiềm năng về nông sản. Việt Nam đứng trong top đầu của thế giới về sản xuất và xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu … và dồi dào về trái cây, cây công nghiệp, thủy hải sản…

Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản đã đạt được những kết quả nhất định trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy vậy vẫn còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương chưa quan tâm đến việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản và rất ít nhãn hiệu nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có đến 90% lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu phải mang nhãn hiệu của nước ngoài.

Theo điều tra sơ bộ của Cục Sở hữu trí tuệ, trên toàn quốc có trên 800 sản phẩm nông – lâm – thủy sản có uy tín phân bố trên 720 vùng khác nhau. Tuy vậy, mới chỉ có 43 Chỉ dẫn địa lý và khoảng 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập quyền và được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ một số ít trong đó được tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Vì vậy, một số nhãn hiệu đặc sản Việt Nam bị lạm dụng hoặc chiếm đoạt ở nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, cà phê Trung Nguyên. Một số trong đó phải mất nhiều thời gian và chi phí mới đòi lại được.

Để tăng cường giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam, bên cạnh việc tăng cường thực hiện các biện pháp cần thiết thì việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho nông sản là rất cần thiết.

Một nông sản có uy tín hay đặc sản thường gắn liền với một đia danh xác định bởi phương pháp sản xuất truyền thống, giống cây con khác biệt, điều kiện địa lý đặc thù…

Chỉ dẫn địa lý: Gìn giữ và phát triển đặc sản Việt NamChỉ dẫn địa lý: Gìn giữ và phát triển đặc sản Việt Nam

Cho đến nay nhiều nông sản đó chỉ được biết đến qua sự đánh giá của người tiêu dùng, qua truyền thông, qua truyền khẩu, thơ ca, hò vè mà thiếu sự công nhận chính thức và bảo hộ pháp lý cả trong nước và ngoài nước làm cơ sở vững chắc cho việc gìn giữ và phát triển sản phẩm.

Do đó, việc xây dựng, đăng ký bảo hộ và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho đặc sản trên cơ sở Luật Sở hữu trí tuệ là biện pháp quan trọng đáp ứng nhu cầu nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của nông sản.

Các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cho đặc sản

Có 3 hình thức bảo hộ có thể áp dụng: Nhãn hiệu tập thể; nhãn hiệu chứng nhận; chỉ dẫn địa lý

Về xây dựng nhãn hiệu tập thể: Thường là tên địa danh của một sản phẩm có uy tín liên quan đến địa danh đó do một tổ chức tập thể đứng ra đăng ký nhãn hiệu để sử dụng chung cho các thành viên của tập thể đó.

Ưu điểm của hình thức bảo hộ bằng nhãn hiệu tập thể là thủ tục chuẩn bị hồ sơ đăng ký không quá phức tạp. Ngoài ra, việc quản lý, kiểm soát việc thực hiện Quy chế sử dụng nhãn hiệu chủ yếu do chủ nhãn hiệu thực hiện trong nội bộ Tổ chức tập thể nên linh hoạt và đơn giản.

Tuy nhiên, nó vẫn có những nhược điểm như: Số lượng người được sử dụng nhãn hiệu tập thể là hạn chế; các cơ sở pháp quy để kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu thường đơn giản (chủ yếu dựa trên Quy chế sử dụng chung nhãn hiệu) nên tính chất, chất lượng sản phẩm thường không được kiểm soát một cách chặt chẽ.

Về hình thức Nhãn hiệu chứng nhận: Thường là tên địa danh của nông sản có uy tín liên quan đến địa danh đó. Chủ Nhãn hiệu chứng nhận là tổ chức có năng lực chứng nhận về sản phẩm mang tên địa danh. Họ không tự mình sử dụng nhãn hiệu mà thông qua việc sở hữu nhãn hiệu chứng nhận, họ cho phép các tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu trên sản phẩm của mình để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, cách thức sản xuất, chất lượng hay đặc tính… của sản phẩm. Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận thực hiện kiểm tra việc đảm bảo các nội dung được chứng nhận đối với sản phẩm của các tổ chức, cá nhân được sử dụng nhãn hiệu.

Nhược điểm của hình thức bảo hộ này là việc kiểm soát sản phẩm mang Nhãn hiệu chứng nhận có được chặt chẽ và tin cậy hay không phụ thuộc vào bộ tiêu chuẩn được đặt ra cho sản phẩm và vào năng lực của chủ nhãn hiệu. Việc cấp quyền sử dụng cho sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu có thông thoáng, khách quan hay không phụ thuộc nhiều vào chủ nhãn hiệu.

Về hình thức bảo hộ bằng chỉ dẫn địa lý: Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý (tự nhiên và/hoặc con người) của vùng lãnh thổ trên quyết định.

Quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức đó hoặc cơ quan hành chính địa phương thực hiện quyền đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, người đăng ký không thành chủ Chỉ dẫn địa lý.

Tổ chức được Nhà nước ủy quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có trách nhiệm trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm trong vùng lãnh thổ đó đáp ứng các điều kiện quy định.

Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn địa lý không đúng quy định, mạo nhận chỉ dẫn địa lý để lừa dối người tiêu dùng sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Ưu điểm của hình thức Chỉ dẫn địa lý là đảm bảo khả năng trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý một cách rộng rãi, khách quan cho tất cả các tổ chức cá nhân đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại địa phương đó. Hệ thống quy phạm đầy đủ và chặt chẽ giúp tạo ra các sản phẩm có tính chất, chất lượng đặc thù, đặc trưng của vùng địa lý đó, đảm bảo tính bền vững của sản phẩm đáp ứng không chỉ mục đích kinh tế mà cả mục đích xã hội.

Ngoài ra, còn nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý chuyên ngành của địa phương trong việc hỗ trợ và quản lý việc sử dụng chỉ dẫn địa lý nhằm phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương.

Tuy nhiên, những khó khăn vẫn còn tồn tại là thủ tục lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý tương đối phức tạp do phải hội đủ các tài liệu cần thiết theo quy định, đòi hỏi thời gian và chi phí nhất định; phải thiết lập được một hệ thống kiểm soát chất lương chặt chẽ kèm theo các biện pháp xúc tiến thương mại tích cực và bền bỉ mới phát huy được hiệu quả của chỉ dẫn địa lý.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang