Chỉ số đo lường hiệu suất chính yếu giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng

author 16:06 21/05/2025

(VietQ.vn) - Chỉ số đo lường hiệu suất chính yếu (KPI) ngày càng được nhiều doanh nghiệp áp dụng như một công cụ quản trị quan trọng. Nếu triển khai đúng cách, KPI không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng mà còn tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Doanh nghiệp hưởng lợi rõ rệt khi áp dụng KPI bài bản

Theo đó, chỉ số đo lường hiệu suất chính yếu (Key Performance Indicators – KPI) là công cụ nhằm đánh giá mức độ hiệu quả và tiến độ công việc của từng cá nhân, phòng ban hoặc toàn doanh nghiệp. Với đặc điểm linh hoạt, KPI có thể được thiết kế riêng cho từng chức năng: tài chính, nhân sự, marketing, sản xuất hay quản lý chất lượng… Từ đó, doanh nghiệp có thể xác định rõ ràng mục tiêu chiến lược, kiểm soát quá trình thực hiện và tối ưu hóa hiệu suất làm việc.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt đã chứng minh hiệu quả khi triển khai KPI một cách bài bản. Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) bắt đầu ứng dụng KPI từ năm 2015 và nhanh chóng ghi nhận kết quả tích cực. Hệ thống KPI đã giúp MIC khắc phục sự chồng chéo trong vận hành, tăng hiệu quả phối hợp giữa các bộ phận. Nhờ đó, doanh thu bảo hiểm của MIC tăng hơn 23,2%, vượt xa mức tăng trưởng trung bình toàn ngành, đồng thời nâng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng.

Áp dụng KPI giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất chất lượng. Ảnh minh họa

Tại Nhà máy May Hòa Thọ Quảng Ngãi (thuộc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ), KPI được triển khai đồng bộ cho toàn bộ 17 dây chuyền may và gần 500 lao động. Các chỉ tiêu như sản lượng, tỷ lệ sai lỗi, thời gian thao tác chuẩn… được giám sát theo thời gian thực. Theo bà Nguyễn Thị Mộng Hoài - Phó Giám đốc nhà máy, việc áp dụng KPI không chỉ giúp phát hiện sớm điểm nghẽn trong quy trình sản xuất mà còn là cơ sở để phân bổ nhân lực hợp lý, cải tiến kỹ thuật và nâng cao năng suất lao động.

Bà Hoài cho biết: “Mỗi tháng, các dây chuyền đều được đánh giá hiệu quả dựa trên các KPI cụ thể. Nhờ vậy, quý I/2025 nhà máy đã hoàn thành kế hoạch sản xuất. Cả năm, chúng tôi đặt mục tiêu đạt 5,4 triệu sản phẩm, doanh thu khoảng 136 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt từ 9,5 – 18 triệu đồng/tháng.”

Tương tự, tại Công ty CP Kết cấu thép Đại Dũng miền Trung, hệ thống KPI đã trở thành công cụ quản trị không thể thiếu, đặc biệt trong quản lý nhân sự. Bà Trần Thị Lệ Quyên - Trưởng phòng Hành chính nhân sự cho biết, công ty tổ chức đánh giá KPI định kỳ 6 tháng/lần, kết hợp khen thưởng, hỗ trợ cải thiện hiệu suất cho các trường hợp chưa đạt yêu cầu. Điều này giúp tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật và hiệu quả cho hơn 750 nhân viên.

Muốn áp dụng KPI hiệu quả cần tư duy lãnh đạo và phương pháp phù hợp

Theo ông Nguyễn Xuân Hà - chuyên gia năng suất thuộc Viện Năng suất Việt Nam (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia), thành công trong triển khai KPI không phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật, mà nằm ở tư duy và sự cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp. Nhiều nơi vẫn xem KPI như một thủ tục hành chính buộc phải có, thiếu theo sát và điều chỉnh, khiến hệ thống này vận hành kém hiệu quả.

Chuyên gia hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng KPI hiệu quả. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

“KPI chỉ thực sự phát huy khi được lồng ghép với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và lợi ích cụ thể của người lao động. Người đứng đầu phải đồng hành, theo sát và truyền cảm hứng thì KPI mới có thể trở thành công cụ tạo động lực thực sự”, ông Hà nhấn mạnh.

Ông cũng khuyến nghị, mỗi doanh nghiệp nên lựa chọn cách xây dựng KPI phù hợp với trình độ quản lý, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và đặc thù ngành nghề. Không nên quá tham chỉ tiêu hoặc kỳ vọng có hiệu quả tức thì. Bởi bất kỳ hệ thống nào cũng cần thời gian thử nghiệm, điều chỉnh và hoàn thiện. Với doanh nghiệp khởi nghiệp nơi dòng tiền và nguồn lực là vấn đề sống còn việc tập trung khoảng 80% KPI vào các chỉ tiêu tài chính là hợp lý. Khi doanh nghiệp trưởng thành hơn, hệ thống KPI có thể được mở rộng sang các lĩnh vực như quản lý nhân sự, chất lượng, đổi mới công nghệ hay phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, để phát huy tối đa hiệu quả, KPI nên được kết hợp với các công cụ như bản đồ chiến lược (Strategy Map) hoặc các phần mềm quản lý doanh nghiệp. Việc theo dõi tiến độ bằng công cụ phù hợp từ Excel đến phần mềm chuyên biệt cũng góp phần giúp các phòng ban bám sát mục tiêu, điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế.

Cuối cùng, KPI không phải là mục tiêu cuối cùng, mà là phương tiện giúp doanh nghiệp quản trị hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Chỉ khi được xây dựng phù hợp, triển khai đúng cách và có sự đồng thuận từ cả lãnh đạo lẫn người lao động, KPI mới thực sự trở thành bệ phóng cho phát triển bền vững.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang