Chiêu thức lừa đảo giả mạo sâm Việt Nam để trục lợi
Mua sắm dịp cuối năm cần cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo trên mạng
Người dùng cần lưu ý điều gì khi tẩy tế bào chết vào mùa đông?
Ước tính cứ 220 người dùng smartphone thì có một người bị lừa đảo
Sâm Ngọc Linh loài thảo dược có giá trị cao và đặc biệt quý hiếm tại Việt Nam, chỉ trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc địa phận 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum mới đủ điều kiện về thổ nhưỡng, chất đất có nhiều vi khoáng đặc biệt cho sâm phát triển. Sâm Ngọc Linh đã được chứng minh có tác dụng tăng cường hiệu quả hệ miễn dịch, trí nhớ, kháng viêm, chống căng thẳng, chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa. Thân rễ và củ sâm được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, còn lá và thân thì được dùng làm trà sâm.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng gian thương đưa sâm từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam để giả thương hiệu sâm Lai Châu, với hình dáng tương tự, khó phân biệt thật giả với sâm Ngọc Linh của Việt Nam, đội giá lên hàng chục lần để trục lợi diễn ra ngày càng tinh vi.
Tại tỉnh Lai Châu, anh T, một người trồng sâm cho biết, sâm Trung Quốc 3 - 4 tuổi khi mang về vùi, năm đầu tiên lá dài, thân to, lá dày, xanh đậm, gân thô. Chùm quả to, nhiều hạt, do ảnh hưởng thuốc kích thích vẫn còn trong cây. Sâm của Việt Nam trồng 4 năm tuổi, cho hạt không nhiều như sâm Trung Quốc vùi. Sâm Trung Quốc được trồng bằng cách sau khi cho cây ngủ đông, sang tháng 1 sẽ phun thuốc kích thích cho cây ra rễ để cây khỏe, chống sâu bệnh, chống bệnh thối củ. Sau đó, khi sâm Trung Quốc đưa vào Việt Nam, gian thương liên kết 1 - 2 hộ dân, vùi sâm để “mặc áo mới". Đặc biệt, các vườn cây sâm bên Trung Quốc khi xuất hiện bệnh thối nhũn củ, không trị được, thường sẽ được xuất bán cả vườn cho thương lái bên Việt Nam với giá rẻ, đem vùi 1 - 2 tháng nhằm "rửa nguồn" để bán ra thị trường.
148 cây sâm giống giả Ngọc Linh bị tiêu hủy
Sâm thật, sâm giả lẫn lộn
Thừa nhận có tình trạng sâm Trung Quốc tuồn về Việt Nam, thượng tá Quản Anh Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu cho biết, việc thẩm lậu sâm từ Trung Quốc về Việt Nam là có. Đường biên giới dài, phía Việt Nam nhiều đoạn không có đường tuần tra. Lực lượng biên phòng không thể tuần tra, soi đèn cả đêm. Họ chui qua hàng rào, thả hàng trôi sông, trời tối, sương mù nên khó phát hiện. Đôi khi chúng lừa lực lượng chức năng, bỏ đá, cùi bắp thả trôi sông cho mình bắt ở một nơi, ở đoạn dưới chúng lại thả thùng chứa sâm cho đồng bọn.
“Tình trạng sâm từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam để giả thương hiệu sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh vẫn đang diễn ra. Về mặt giá cả, sâm từ Trung Quốc nhập sang có giá chỉ 1 - 3 triệu đồng/kg, đội lốt thành sâm Lai Châu bán khoảng 30 triệu đồng/kg, sâm Ngọc Linh còn cao hơn nhiều. Việc chênh giá cả như vậy khiến tình trạng nhập lậu để kiếm lời diễn ra khó kiểm soát”, ông Nguyễn Trọng Lịch, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu thừa nhận.
Mua rẻ, bán đắt nên hiện tại việc mua bán sâm trên mạng, tại các vùng trồng sâm diễn ra công khai. Buôn sâm, một vốn, mấy chục lần lời. Với sâm Trung Quốc, hàm lượng dư lượng thuốc thuốc hóa học cao. “Sâm này xuất xứ không rõ ràng, bên cạnh đó có thêm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao thì hại mình. Bổ chỗ này, nát chỗ khác” - GS. TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng trường Đại học Tây Đô, nguyên Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP Hồ Chí Minh khẳng định.
Để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh - Quốc bảo của Việt Nam, đã đến lúc chính quyền và các ngành chức năng, nơi có chỉ dẫn địa lý về sâm Ngọc Linh cần vào cuộc quyết liệt làm rõ thông tin các công ty, doanh nghiệp lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh. Đồng thời, kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm sâm Ngọc Linh đang được bày bán trên thị trường, trên mạng xã hội và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh không đảm bảo các quy định hiện hành.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11936:2017 về sản phẩm nhân sâm
Tiêu chuẩn này áp dụng cho các sản phẩm nhân sâm được nêu trong Điều 2 để tiêu thụ trực tiếp bao gồm cả mục đích phân phối hoặc đóng gói lại, nếu cần. Tiêu chuẩn này áp dụng cho sản phẩm nhân sâm được sử dụng làm thực phẩm hoặc thành phần của thực phẩm và không áp dụng cho các sản phẩm dùng làm thuốc.
Tiêu chuẩn quy định chỉ tiêu chất lượng: Về hương, màu và nhóm ginsenoside thì sản phẩm nhân sâm phải có hương, màu sắc, vị và nhóm ginsenoside2) đặc trưng của loài nhân sâm cụ thể và không chứa tạp chất.
Nhân sâm sấy khô và nhân sâm hấp sấy khô phải đảm bảo độ ẩm không lớn hơn 14,0 % (dạng bột: không lớn hơn 9,0 %). Tro không lớn hơn 6,0 %; Chất chiết bằng n-butanol đã bão hòa nước không nhỏ hơn 20 mg/g 3). Ngoài ra, trong trường hợp sản phẩm chế biến từ P. ginseng C.A. Meyer, cần phát hiện định tính ginsenoside Rf.
Sản phẩm thuộc đối tượng của tiêu chuẩn này không có các chất phụ gia. Sản phẩm thuộc đối tượng của tiêu chuẩn này phải tuân thủ giới hạn tối đa cho phép về chất nhiễm bẩn theo TCVN 4832:2015 (CODEX STAN 193-1995, Rev. 2009, Amd. 2015) tiêu chuẩn chung đối với các chất nhiễm bẩn và các độc tố trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Sản phẩm thuộc đối tượng của tiêu chuẩn này phải tuân thủ mức giới hạn tối đa cho phép về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo TCVN 5624 Danh mục giới hạn dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật và giới hạn dư tượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật ngoại lai (gồm hai phần).
Các sản phẩm quy định trong tiêu chuẩn này nên được sơ chế và xử lý theo các quy định tương ứng của TCVN 5603:2008 (CAC/RCP 1-1969, Rev. 4-2003) Quy phạm thực hành về những nguyên tắc chung đối với vệ sinh thực phẩm và các tiêu chuẩn khác có liên quan như quy phạm thực hành, quy phạm thực hành vệ sinh.
Các sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chí vi sinh được thiết lập theo TCVN 9632:2016 (CAC/GL 21-1997) Nguyên tắc thiết lập và áp dụng tiêu chí vi sinh đối với thực phẩm.
Các sản phẩm quy định trong tiêu chuẩn này được ghi nhãn theo TCVN 7087:2013 (CODEX STAN 1-1985, with Amendment 2010) Ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn. Bất kỳ yêu cầu nào về sức khỏe nên áp dụng CAC/GL 23-1997 Guidelines for Use of Nutrition and Health Claims (Hướng dẫn công bố về dinh dưỡng và sức khỏe), nếu cần.
Ngoài ra cần áp dụng các quy định cụ thể sau: Tên của sản phẩm; Dạng sản phẩm khi ghi trên nhãn phải ghi kèm theo hoặc gần sát với tên sản phẩm để tránh gây nhầm lẫn hoặc gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Tất cả các sản phẩm nhân sâm phải được ghi nhãn với tên khoa học hoặc tên thông thường của nhân sâm được sử dụng làm nguyên liệu. Tên thông thường của các loài nhân sâm phải được công bố theo quy định của pháp luật mà không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nước sản xuất sản phẩm và/hoặc nguyên liệu thô phải được ghi rõ để tránh gây hiểu nhầm hoặc lừa dối người tiêu dùng.
Ngoài tên của sản phẩm, dấu hiệu nhận biết lô hàng, tên và địa chỉ của nhà sản xuất, nhà đóng gói, nhà phân phối hoặc nhà nhập khẩu, cũng như các hướng dẫn bảo quản phải được ghi trên nhãn thì thông tin đối với các bao gói sản phẩm không để bán lẻ cũng phải ghi trên nhãn của bao gói đó hoặc trong các tài liệu kèm theo. Tuy nhiên, dấu hiệu nhận biết lô hãng, tên và địa chỉ nhà sản xuất hoặc nhà đóng gói, nhà phân phối hoặc nhà nhập khẩu có thể thay bằng dấu hiệu nhận biết, với điều kiện là dấu hiệu đó có thể dễ dàng nhận biết cùng với các tài liệu kèm theo lô hàng.
Các sản phẩm có thể ghi nhãn một cách rõ ràng để chỉ rằng sản phẩm không dành cho mục đích dùng làm thuốc, bao gồm cả các yêu cầu ghi nhãn khác theo quy định hiện hành.
Khánh Mai (t/h)