Chính phủ yêu cầu sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía bắc

author 09:02 04/01/2022

(VietQ.vn) - Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 58/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía bắc.

Theo đó, xét đề nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, tình trạng ùn tắc nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 350/TB-VPCP ngày 27/12/2021 về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía bắc; đồng thời nghiên cứu, tiếp thu kiến nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao để sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía bắc.

Chính phủ yêu cầu sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía bắc

Hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu.

Trước đó, như Chất lượng Việt Nam đã thông tin, tại cuộc tọa đàm mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, hàng trăm ngàn tấn thanh long, mít, xoài, bưởi, dưa hấu đã đến vụ thu hoạch, trong khi các cửa khẩu Trung Quốc gần như đóng cửa. Trước tình hình này, chúng ta phải thay đổi tư duy và thích nghi theo hướng đa thị trường, đa lợi ích; cần nhìn nhận rõ vấn đề tiềm năng thị trường nội địa rất lớn. Các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương cần tăng cường kết nối để phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, coi trọng thị trường nội địa và đa dạng thị trường nhập khẩu, không chỉ phụ thuộc vào một vài thị trường.

Về tình hình nông sản vào vụ cần tiêu thụ, bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, hiện nay đối với sản phẩm thanh long của tỉnh đang là thời điểm “nước sôi lửa bỏng”. Người dân trồng thanh long tại Long An rất trông mong vào thời điểm này. Trước khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết thương lái cam kết mua thanh long của người dân với giá 22.000 đồng/kg, đủ để người dân thu về lợi nhuận cho chi phí sản xuất cả năm.

Từ khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đồng loạt các kho thanh long trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng thu nhận hàng. Do đó, từ ngày 27-28/12 vừa qua, thương lái yêu cầu các kho phải bồi thường cho lượng thanh long đã được thu mua từ phía người dân.

Long An có khoảng 10.000 ha diện tích trồng thanh long với sản lượng khoảng 20.000 tấn và đây là áp lực rất lớn đối với tỉnh. Qua rà soát, Long An hiện có 117 kho thanh long, trong đó có 100 kho đông lạnh với tổng công suất khoảng 5.400 tấn. Tuy nhiên, lượng tồn hiện nay đã gần 3.000 tấn, chỉ còn sức chứa 2.400 tấn.

Tỉnh Bình Thuận cũng có lượng lớn thanh long cần tiêu thụ. Ông Phan Văn Tuấn – Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, sản lượng thanh long của tỉnh đến đến tháng 2/2022 là 120.000 tấn. Hiện Bình Thuận đang còn tồn 400-500 xe thanh long, trong khi trữ lượng kho lạnh chưa bằng số lẻ sản lượng thanh long.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang