Chính phủ yêu cầu xem xét, xử lý phản ánh về giá sàn vé máy bay

author 07:11 03/10/2021

(VietQ.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 7116/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về phản ánh của báo chí liên quan đến thu phí trên cao tốc và giá sàn vé máy bay.

Theo đó, đối với các phản ánh trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo xử lý.

Thông tin về việc thu phí trên cao tốc và giá sàn vé máy bay nhiều ngày qua đã khiến dư luận xã hội quan tâm và là chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn với nhiều ý kiến trái chiều.

Về việc áp sàn giá vé máy bay, ngay cả các hãng hàng không cũng đưa ra những ý kiến khác nhau. Có những hãng đồng tình và không đồng tình. Theo đó, Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Bamboo Airways là 3 hãng đồng tình. 3 hãng này cho rằng chính sách quy định giá tối thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mang lại tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của hãng.

Vietnam Airlines kiến nghị phương án quy định mức giá sàn vé máy bay nội địa trong thời gian 36 tháng. Bamboo Airways nhất trí áp dụng mức giá sàn cho các đường bay nội địa và đề xuất tăng mức sàn cho nhóm đường bay I và II, giảm nhẹ mức giá tối thiểu ở nhóm III, IV, V.

Pacific Airlines đề xuất giá sàn cần tương đương chi phí bình quân trên mỗi hành khách, đề nghị thời gian áp dụng tối thiểu trong 3 năm theo dự báo hồi phục của thị trường quốc tế thay vì một năm theo kế hoạch của Cục Hàng không. Nếu thị trường nội địa hồi phục sớm hơn có thể điều chỉnh lại thời gian áp dụng.

Chính phủ yêu cầu xem xét, xử lý phản ánh về giá sàn vé máy bay

 Chính phủ yêu cầu xem xét, xử lý phản ánh về giá sàn vé máy bay.

Trái với các ý kiến trên, hãng Vietjet Air kiến nghị không quy định giá sàn vé máy bay trên các đường bay nội địa. Lý do là giá sàn sẽ tạo ra nhiều bất cập như không phù hợp các cam kết thương mại quốc tế, không đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, không đảm bảo thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vận chuyển hàng không...

Vietravel Airlines cũng cho rằng chính sách quy định mức giá sàn gây nhiều bất lợi cho hãng hàng không giá rẻ, đặc biệt với hãng hàng không mới. Hãng đề xuất cân nhắc áp dụng mức giá sàn riêng biệt cho từng loại hình kinh doanh như hàng không truyền thống và giá rẻ.

Thông tin trên báo chí, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không cho rằng, giai đoạn khó khăn này, lẽ ra Vietnam Airlines phải cam kết giữ hoặc giảm giá vé để kích cầu đi lại, thông thương, góp phần phục hồi kinh tế. Nhưng hãng lại đề xuất tăng giá vé, với mức giá sàn thuộc loại cao nhất thế giới (bằng 44% giá trần, trong 3 năm) không khác nào muốn người dân - vốn đang khốn khó vì dịch Covid-19 - phải góp tiền bù lỗ, giảm nguy cơ phá sản cho chính hãng này.

“Tại sao Vietnam Airlines không tái cơ cấu mạnh mẽ, không tối ưu chi phí để cơ cấu lại nguồn lực”, ông Nguyễn Thiện Tống lên tiếng.

TS. Lương Hoài Nam cũng băn khoăn, không hiểu tại sao Vietnam Airlines lại đề xuất giá sàn trong khi họ lại là cổ đông chi phối áp đảo của một hãng hàng không giá rẻ là Pacific Airlines? Bởi, về bản chất, nếu có giá sàn thì mô hình hàng không giá rẻ không thể vận hành hiệu quả.

Do đó, việc các hãng hàng không khác không ủng hộ và đề xuất bỏ ý tưởng giá sàn là có lý. Ông Nam nhìn nhận, họ cần có sự tự do về giá vé và giảm giá vé để kích cầu phát triển các thị trường và đối tượng khách hàng của mình, lấp đầy chuyến bay và tối ưu hóa doanh thu.

Hơn nữa, trong bối cảnh đặc biệt như đại dịch Covid-19 hiện nay, nếu không có vé máy bay giá rẻ thì nhân lực, tàu bay sẽ dư thừa. Cái khó của các hãng là thiếu thị trường và áp giá sàn sẽ khiến các hãng đã khó lại càng khó hơn.

Chưa kể, du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi không thể kích cầu do 70% khách đi du lịch bằng đường hàng không, và chi phí vé máy bay chiếm 40-50% giá tour.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang