Giá vé máy bay nội địa giảm 50% đến hết năm 2021

author 19:26 29/09/2021

(VietQ.vn) - Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh máy bay đối với các chuyến bay nội địa được áp dụng bằng 50% mức giá cất cánh, hạ cánh máy bay đối với chuyến bay nội địa quy định tại Thông tư số 53 ngày 31/12/2019 của Bộ GTVT.

Cụ thể, từ 1/1 đến 31/12/2021, mức giá dịch vụ cất, hạ cánh máy bay đối với các chuyến bay nội địa bằng 50% mức thường lệ quy định tại Thông tư 53/2019 của Bộ GTVT.

Bộ GTVT cho biết, cho phép hãng bay thương thảo lại với đơn vị cung cấp dịch vụ để xử lý các khoản thu đã thanh toán từ 1/1/2021 đến thời điểm ban hành Thông tư. 

Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2022 trở đi, giá dịch vụ cất hạ cánh tiếp tục thực hiện theo Thông tư 53. Với một số dịch vụ chuyên ngành hàng không như dịch vụ thuê sân đậu tàu bay, thuê quầy làm thủ tục hành khách, cho thuê băng chuyền hành lý, thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay, dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không… Bộ GTVT cho phép áp dụng khung giá với mức tối thiểu là 0 đồng từ ngày 1/1 đến 31/12/2021.

 Giảm giá 50% giá hạ cất cánh các chuyến bay nội địa đến hết năm 2021. Ảnh minh hoạ.

Dịch vụ cất, hạ cánh là một trong các dịch vụ do nhà khai thác sân bay cung cấp. Theo Thông tư 53/2019, tùy vào trọng tải máy bay, mức giá hạ cánh thấp nhất 765.000 đồng và cao nhất khoảng 11,6 triệu đồng.

Hiện, Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động hàng không trong bối cảnh dịch bệnh tại TP.Hồ Chí Minh dần được kiểm soát. Các hãng hàng không cũng đang lên kế hoạch vận hành trở lại đường bay nội địa sau ngày 1/10. Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc Bộ GTVT ban hành Thông tư 21/2021 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay là cần thiết.

Thông tư này nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm bớt gánh nặng chi phí cho các hãng hàng không trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài và có những diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. 

Trong tháng 9/2021, các hãng hàng không Việt Nam chỉ vận chuyển 18.000 khách, giảm 99% so với tháng 9/2020, trong đó quốc tế là 6.000 khách, giảm 64,1% so với tháng 9/2020; nội địa là 12.000 khách, giảm 99,3% so với tháng 9/2020.

Trong 9 tháng năm 2021, các hãng bay Việt Nam vận chuyển được 13,3 triệu khách, giảm 42,8% so với cùng kỳ 2020; trong đó quốc tế là 103.000 khách, giảm 96,2% so với cùng kỳ 2020; nội địa là 13,2 triệu khách, giảm 35% so với cùng kỳ 2020.

Trong cùng diễn biến, Bộ Y tế vừa có văn bản góp ý dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại các địa phương nới lỏng biện pháp chống dịch COVID-19. Trong văn bản này, Bộ Y tế khẳng định không yêu cầu xét nghiệm đối với người tham gia giao thông bằng đường hàng không, đường sắt, hàng hải đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.

Cụ thể, văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký gửi Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ về cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, với đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, Bộ Y tế đề nghị có kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc và đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định; có cán bộ/bộ phận y tế phối hợp với y tế địa phương xử trí khi có trường hợp mắc tại nơi làm việc.

Với phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải (trừ đường hàng không áp dụng theo văn bản riêng), Bộ Y tế đề nghị cho phép hoạt động tại địa phương/vùng có nguy cơ thấp và trung bình; hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất tại địa phương/vùng có nguy cơ cao và dừng hoạt động tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử).

Phương tiện giao thông công cộng phải được trang bị nước sát khuẩn tay, khẩu trang y tế; phải vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi lần phục vụ.

Người điều khiển và người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng phải tuân thủ thông điệp 5K, khai báo y tế khi tham gia phục vụ; xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan. Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình và cao phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần).

Tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao, người điều khiển phương tiện taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ.

Với hành khách, ngoài việc tuân thủ 5K và khai báo y tế, Bộ Y tế yêu cầu phải xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ khi tham gia giao thông đường hàng không, đường sắt, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo và ngược lại).

Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng. Với bến xe, bến tàu, nhà ga, địa điểm bán vé, trạm dừng nghỉ, Bộ Y tế yêu cầu phải xây dựng các phương án đón trả khách ra vào bến, trạm dừng nghỉ theo đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR.

Khu vực bán vé, phòng chờ và nơi lên, xuống phương tiện bảo đảm giãn cách và các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế; tổ chức điểm xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2; bố trí phòng khu vực cách ly tạm thời đảm bảo thông thoáng.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang