Chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ: Việt Nam cần có đối sách phù hợp

(VietQ.vn) - Ngày 3/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại với mức thuế dao động từ 10-50%. Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với thuế suất là 46%. Chính sách này sẽ tác động mạnh đến thương mại quốc tế, trong đó có Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về chính sách thuế quan của Mỹ, từ đó có những nhìn nhận khách quan, thấu đáo và đối sách phù hợp. Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính) chúng ta cần hiểu một số vấn đề liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ và thực trạng quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Mỹ.
Tiêu chuẩn là công cụ thúc đẩy bảo vệ người tiêu dùng
Thị trường tiêu dùng Việt Nam dần hồi phục
Tiêu chuẩn ISO/TS 29001- phương pháp thực hành tốt nhất về quản lí chất lượng trong lĩnh vực dầu mỏ
Đề xuất giảm thuế nhập khẩu thủy sản Mỹ về 0%
Thực trạng quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Mỹ những năm qua
Trong 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ liên tục tăng. Năm 2020 xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt 77,1 tỷ USD; đến năm 2021 con số này là 96,3 tỷ USD; năm 2022 đạt 109,4 tỷ USD; năm 2023 giảm xuống 97 tỷ USD nhưng đến năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng trị giá 119,5 tỷ USD và nhập từ thị trường này 15,1 tỷ USD. Có 15 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 3 nhóm xuất khẩu lớn, gồm máy vi tính và linh kiện với 23,2 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 22,1 tỷ và dệt may đạt 16,2 tỷ USD. Tổng giá trị xuất khẩu của 3 nhóm hàng này đạt 61,4 tỷ USD, chiếm tới 51,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Đây cũng sẽ là những mặt hàng của Việt Nam chịu tác động lớn nhất của chính sách thuế quan đối ứng trong thời gian tới.
Điện thoại, gỗ hay giày dép cũng là nhóm hàng đem lại giá trị lớn. Điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,8 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,1 tỷ USD; giày dép đạt 8,3 tỷ USD. Nông sản cũng có đóng góp quan trọng với tổng kim ngạch đạt khoảng 2,3 tỷ USD.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Mỹ - tính theo triệu USD
Các nhóm hàng chịu tác động chính từ chính sách thuế vừa công bố của Mỹ gồm máy vi tính, điện tử, điện thoại, dệt may, giày dép, gỗ, máy móc, thiết bị, linh kiện,…
Mức thuế đối ứng Mỹ áp dụng đối với một số đối thủ cạnh tranh chính trong thương mại quốc tế lại thấp hơn mức thuế áp dụng đối với Việt Nam: Băng-la-đét 37%, Thái Lan 36%, In-đô-nê-xi-a 32%, Pa-kix-tan 29%, Ấn Độ 26%, Ma-lai-xi-a 24%, Phi-li-pin 17%… Mức thuế dự kiến áp cho Việt Nam nằm trong số các nước cao nhất, cùng với Cam-pu-chia (49%), Lào (48%), Sri Lanka (44%), Trung Quốc (54%). Doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ lo ngại hàng Việt chịu tác động lớn, nhất là giảm cạnh tranh khi bị áp thuế đối ứng so với sản phẩm từ các nước khác. Đối tác Mỹ nhập hàng của Việt Nam mà không cạnh tranh được thì họ sẽ quay ra mua từ các nước khác. Thuế nhập khẩu của Mỹ tăng ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng nước này. Ví dụ trước đây, họ chỉ phải bỏ 10 đồng để mua trái cây của Việt, thì giờ trả 15 đồng. Do vậy, họ sẽ đắn đo chọn mặt hàng khác, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Mức thuế 46% phía Mỹ đưa ra là con số tổng quan
Tuy nhiên, vấn đề Mỹ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, tránh hoang mang hay lo lắng thái quá.
Thực tế là mức thuế suất cơ bản đối với sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vốn đã có từ trước, không phải tất cả đều là 0%. Một số mặt hàng có thuế suất trung bình 12%, có mặt hàng 7%, 12%, thậm chí có sản phẩm lên tới 27%. Việt Nam cũng chưa có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Mỹ, do đó, nền tảng thuế đã tồn tại từ lâu. Mức thuế 46% phía Mỹ đưa ra là con số tổng quan, không áp dụng đồng loạt mà được chia ra theo từng dòng sản phẩm cụ thể.
Do đó, doanh nghiệp cần giữ bình tĩnh, tiếp tục thương thảo với các nhãn hàng, nhà mua hàng để thích ứng với mức thuế mới. Tránh hoang mang hay lo lắng thái quá. Người tiêu dùng Mỹ vẫn có nhu cầu lớn đối với sản phẩm của Việt Nam và Việt Nam vẫn đang duy trì quan hệ với nhiều đối tác lớn trên toàn cầu, trong đó có Mỹ.
Về tác động thực tế, doanh nghiệp Việt Nam đã đàm phán giá với nhà mua hàng từ trước, nên khi thuế thay đổi, bản thân các thương hiệu, nhãn hàng cũng phải cân nhắc chiến lược kinh doanh để điều chỉnh. Người tiêu dùng Mỹ sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp do giá thành sản phẩm tăng.
Trong trung và dài hạn, doanh nghiệp cần chờ động thái đàm phán giữa Chính phủ hai nước để có phương án ứng phó phù hợp. Các doanh nghiệp cần giữ vững tâm lý, tập trung vào các thỏa thuận với đối tác, bởi chi phí sản xuất, tiền lương, lợi nhuận đều đã được tính toán kỹ lưỡng trong đơn hàng. Áp lực lớn nhất không nằm ở doanh nghiệp mà ở nhà mua hàng và người tiêu dùng khi thuế tăng cao. Thời gian tới, sẽ có biểu thuế chi tiết cho từng mặt hàng như ô tô, dệt may, da giày… Doanh nghiệp cần theo sát để có kế hoạch phù hợp.
Nỗ lực cân bằng cán cân thương mại với Mỹ
Thực tế thời gian qua Việt Nam đã và đang nỗ lực cải thiện cán cân thương mại với Mỹ.
Ngày 31/3, Chính phủ cũng ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng. Theo đó, hàng loạt các mặt hàng được giảm thuế nhập khẩu như ô tô, cherry, táo, nho khô…, trong đó có nhiều sản phẩm xuất xứ Mỹ. Kế hoạch giảm thuế một số mặt hàng nhập khẩu là một phần quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ vào Việt Nam, góp phần giảm thặng dư thương mại giữa hai nước.
Trước đó, đại diện Chính phủ Việt Nam và Mỹ cũng nhiều lần gặp gỡ đàm phán các biện pháp thương mại mới và điều chỉnh chính sách nhằm đối phó với các rủi ro thuế quan. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thỏa thuận song phương với Mỹ như Hiệp định khung về thương mại và đầu tư Việt Nam – Mỹ (TIFA), Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ (BTA). Việt Nam cũng cần cụ thể việc tăng nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Mỹ phù hợp với nhu cầu trong nước.
Cùng với đó, Việt Nam cần tăng thu hút doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào những lĩnh vực, sản phẩm chiến lược mà họ có lợi thế và hai nước có nhu cầu. Việc này theo hướng tăng hàm lượng và tỷ lệ nguồn gốc thành phần Mỹ trong sản phẩm. Để lấy lại năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần rút ngắn khoảng cách chệnh lệch thuế của Việt Nam so với các nước. Cùng với đó, Việt Nam cần đa dạng hơn nữa thị trường xuất khẩu và nâng cao thị trường nội địa. Nhiều quốc gia đã tìm cách giữ tỷ trọng xuất khẩu ở mức hợp lý, đồng thời nâng thị trường trong nước trở thành một trụ cột của nền kinh tế.
Một trong các biện pháp Việt Nam có thể sử dụng là tăng nhập khẩu từ Mỹ, chẳng hạn các sản phẩm công nghệ.Chính phủ Việt Nam sẽ mua hàng Mỹ nhiều hơn. Các mặt hàng đang được nhắm đến là trực thăng, máy bay, năng lượng, thiết bị điện… Tuy nhiên, tiến trình đàm phán các hợp đồng này vẫn còn nhiều điểm chưa thuận lợi. Việt Nam cũng cần tập trung gỡ vướng các quy định trong phát triển thị trường cho doanh nghiệp, địa phương. Ngoài ra, cần nghiên cứu kinh nghiệm chính sách kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là Trung Quốc, Thái Lan…
Đoàn đàm phán Việt nam do Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ. Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ. Đặc biệt Việt Nam mong muốn làm việc với các cơ quan liên quan của Mỹ để cụ thể hóa các nội dung trao đổi giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4-4, qua đó tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế – thương mại ổn định, bền vững, vì lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Việt Nam và Mỹ đã nhất trí khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thỏa thuận về thuế và đề nghị các cấp kỹ thuật của hai bên tiến hành trao đổi ngay. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động rà soát, xem xét hạn chế thấp nhất các rào cản phi quan thuế cho hàng hóa của nhau, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tăng cường phối hợp kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại.
Đến ngày 9/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với tất cả các đối tác thương mại không trả đũa Hoa Kỳ. Như vậy, cùng với hơn 75 quốc gia đã chủ động liên hệ với Mỹ để đàm phán các vấn đề thương mại, Việt Nam sẽ được tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày và áp dụng mức thuế 10% trong thời gian này để thực hiện các đàm phán tiếp theo.
Kết quả ban đầu này là tin vui và là kết quả đầu tiên sau những nỗ lực đàm phán, giúp Việt Nam giữ được nhiều lợi thế trong xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có những chuyển hướng chiến lược quan trọng trong đàm phán thuế đối ứng, đàm phán thỏa thuận song phương với Mỹ cũng như cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Phương Nam