Chính sách xanh của EU tác động trực tiếp tới nhiều ngành hàng của Việt Nam
Bẫy lừa đảo khi mua vé chương trình "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai" và "Anh Trai Say Hi"
Bẫy đầu tư tài chính online: Thủ đoạn lừa đảo nhắm vào tâm lý sinh lời tự động cao
Công bố 5 đầu số điện thoại lừa đảo mạo danh cơ quan Nhà nước
Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của Liên minh châu Âu (CEAP) là một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu, nhằm giải quyết các thách thức cấp bách toàn cầu, như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, chất thải và ô nhiễm. Với CEAP, Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu sớm chấm dứt mô hình kinh doanh công nghệ và thời trang với các sản phẩm có “vòng đời ngắn” và nền kinh tế "tạo rác".
Mặc dù có những lợi thế lớn nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đang đứng trước những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của EU đưa ra những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, dự báo xu hướng này của EU cũng sẽ được các nước phát triển, các thị trường lớn của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu chú trọng, tăng cường siết chặt, tiến tới thiết lập các tiêu chuẩn xanh mới đối với hàng hóa trong thương mại quốc tế. Một trong số những chính sách đó là Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP – là một phần của Thỏa thuận xanh Châu Âu). Kế hoạch này dự báo sẽ tác động mạnh tới thương mại toàn cầu, nhất là giao thương từ các nước đối với EU. Đồng thời đặt ra những yêu cầu mới cho các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa vào EU và các chuỗi cung ứng.
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, CEAP sẽ có tác động đến 7 nhóm lĩnh vực chính, bao gồm: thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, nhóm về pin và nhóm về bao bì, nhóm về nhựa, dệt may, da giày... Quy định trọng tâm của CEAP liên quan đến thiết kế sinh thái, sản phẩm bền vững.
Quy định trọng tâm đó liên quan đến ISPR - một quy định liên quan đến thiết kế sinh thái, sản phẩm bền vững, đã có hiệu lực từ tháng 7/2024. Những quy định này có thể ảnh hưởng đến một số lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có dệt may và giày dép, các sản phẩm nhựa và bao bì. Trong ISPR có một số quy định liên quan đến việc ngăn chặn, hạn chế tiêu hủy các sản phẩm dệt may, hoặc có những quy định sau này các sản phẩm sẽ phải hộ chiếu kỹ thuật số DPP (DPP là hồ sơ kỹ thuật số cung cấp thông tin toàn diện về sản phẩm và toàn bộ chuỗi giá trị của sản phẩm. DPP sẽ bao gồm các chi tiết thiết yếu như mã định danh sản phẩm duy nhất, tài liệu tuân thủ và thông tin về các chất đáng quan tâm).
Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP) đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi và thích ứng. Ảnh minh họa
Đó là một chiến lược của EU để giúp khối này giảm phát thải ròng bằng 0 sớm nhất có thể vào năm 2050. Và để thực hiện được chiến lược và mục tiêu này thì EU sẽ đưa ra hàng loạt các quy định, trong đó có CEAP với những quy định chi tiết cụ thể đối với từng nhóm hàng, từng lĩnh vực. Nếu những sản phẩm không đáp ứng được những tiêu chuẩn của EU như liên quan đến hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số chẳng hạn, có khả năng không thể thâm nhập được vào thị trường EU.
Tiến sỹ Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng nhận định, doanh nghiệp nào làm được tốt những quy trình hoặc giải pháp kinh tế tuần hoàn sẽ đạt được hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh tốt hơn những doanh nghiệp khác, bởi tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào, kéo dài được vòng đời sản phẩm… Ông cũng cho rằng, để đầu tư vào chuyển đổi công nghệ sản xuất, cần phải có nguồn lực lớn về tài chính. Đó là vấn đề hạn chế của đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù vậy, những yêu cầu về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược, buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ để tham gia chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh tại các thị trường khó tính.
Cần thiết lập các giải pháp đồng bộ
Đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ khuyến nghị các doanh nghiệp cần tự trang bị cho mình thông tin thị trường đầy đủ, đúng cùng với đó có những chiến lược cụ thể, chi tiết để sẵn sàng thích ứng với những tiêu chí, quy định khắt khe của thị trường xuất khẩu. Bởi ngoài CEAP, EU cũng ban hành một loạt các quy định khác, trong đó có Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (gọi tắt là CBAM). Mặc dù hiện giờ CBAM chỉ áp dụng đến một số lĩnh vực phát thải lớn trong lĩnh vực công nghiệp như xi măng, sắt, thép… nhưng sau này có thể mở rộng ra những lĩnh vực khác.
Cũng theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, hiện nay có rất nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, sẵn sàng chia sẻ và cũng thường xuyên phối hợp với Bộ Công Thương để hỗ trợ các doanh nghiệp vạch ra được chiến lược cụ thể để thâm nhập vào được thị trường châu Âu.
Trước mắt, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư sản xuất, phải thay đổi quy trình sản xuất, quy trình quản lý; chi phí đầu tư tăng cũng có thể kéo theo chi phí, giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp đáp ứng được những tiêu chuẩn đó cũng có thể sẽ tiếp cận được những đối tượng khách hàng mới. Bên cạnh đó, mặc dù chi phí đầu tư sản xuất để thay đổi, để đáp ứng được những tiêu chuẩn châu Âu ban đầu có thể cao, nhưng khi các doanh nghiệp đã có được chiến lược đầu tư bài bản, họ sẽ thu được những hiệu suất kinh doanh sản xuất tốt hơn thì cũng sẽ giảm được chi phí về lâu dài.
Các chuyên ra cũng chỉ ra rằng, việc sớm triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ và việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm thích ứng với Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn của EU không chỉ giúp doanh nghiệp giữ vững thị phần mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường EU, sau đó mở rộng sang các thị trường lớn, trọng điểm khác. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần phải hành động càng sớm càng tốt, có những hướng dẫn thống nhất và đánh giá phù hợp, có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể, để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không đánh mất lợi thế từ Hiệp định EVFTA và bị loại khỏi chuỗi giá trị toàn cầu.
Về phần mình, các doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi tư duy, chủ động chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn, bền vững. Thích ứng tốt với Chiến lược Thỏa thuận Xanh châu Âu nói chung và Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP) giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa những lợi ích mà EVFTA mang lại.
Khánh Mai