Chó nhai sạc dự phòng làm cháy nhà, người tiêu dùng nên cảnh giác

author 07:29 16/08/2024

(VietQ.vn) - Mới đây Sở Cảnh sát thành phố Tulsa, bang Oklahoma (Mỹ) cảnh báo nguy cơ từ pin sạc dự phòng, sau khi một con chó nhai cục sạc dự phòng gây cháy nhà.

Theo thông báo của Sở Cảnh sát Tulsa, một con chó đã nhai cục sạc dự phòng khi đang nằm trên nệm phòng khách của căn nhà. Bất thình lình cục sạc phát ra tia lửa rồi nhanh chóng bốc cháy. Đám cháy lan rộng khiến căn nhà hư hại nặng, rất may là không có người nào hay vật nuôi nào bị thương trong vụ việc.

Theo trang IFLScience ngày 7-8, pin lithium-ion là lựa chọn phổ biến dùng trong các thiết bị như pin sạc dự phòng do có thể lưu trữ nhiều năng lượng dù rất nhẹ - một điều khá tiện lợi khi chúng ta phải đi ra ngoài và không dễ tìm ổ cắm điện. Tuy nhiên thiết bị trữ năng lượng này có thể gây nguy hiểm. Khi năng lượng này được giải phóng không kiểm soát, nó có thể tạo ra nhiệt, gây cháy và giải phóng khí độc hại, thậm chí gây nổ.

Những tai nạn này xảy ra vì nhiều lý do, chẳng hạn như tiếp xúc với nhiệt độ cực cao, hư hỏng vật lý, sạc pin quá mức hay dùng thiết bị sạc không tương thích,. Trong vụ hỏa hoạn nói trên, chú chó đã khiến cục sạc dự phòng bị hư hỏng vật lý.

Sau khi chú chó nhai pin sạc dự phòng đã phát nổ. Ảnh: Dân trí

Sở Cứu hỏa Tulsa nói thêm rằng các sở cứu hỏa trên cả nước Mỹ đang ghi nhận nhiều vụ cháy liên quan pin sạc dự phòng, đồng thời yêu cầu công chúng tìm hiểu kỹ cách sử dụng, bảo quản pin an toàn và xử lý những pin sạc có khả năng gây nguy hiểm.

Theo ông Little, điều quan trọng là cần sử dụng sạc dự phòng lithium-ion theo hướng dẫn của nhà sản xuất và để xa tầm tay của trẻ em cùng vật nuôi. Đặc biệt là không được quăng pin lithium-ion vào chung rác sinh hoạt hay rác tái chế, vì chúng có thể gây cháy nổ trong quá trình vận chuyển hoặc tại các cơ sở xử lý rác thải.

Trên thực tế, đã có không ít trường hợp pin sạc dự phòng phát nổ ngay cả khi không được cắm sạc hoặc khi không sử dụng. Thậm chí có trường hợp pin sạc dự phòng bất ngờ phát nổ trên máy bay khiến hành khách bị thương và gây uy hiếp an toàn bay.

Chẳng hạn vào hồi tháng 2 vừa qua, trên chuyến bay của hãng hàng không Royal Air Charter Service (Philippines) đang bay từ đảo Boracay (Philippines) đến Thượng Hải (Trung Quốc) đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Hồng Kông (Trung Quốc) vì viên pin sạc dự phòng của một hành khách phát nổ trong cabin.

Tại Việt Nam, mới đây tại nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, khách mang pin dự phòng ký gửi hành lý không được nên bỏ lại. Cục pin này sau đó bốc cháy. Vụ cháy không lớn, kèm tiếng nổ nhỏ. Lực lượng an ninh đã dùng bình bột chữa cháy, nhanh chóng dập tắt đám cháy.

Do đó theo các chuyên gia công nghệ, cần bảo quan sạc dự phòng cẩn thận, không để sản phẩm nơi có nhiệt cao vì bên trong pin có các mạch điện điều khiển dòng điện, nhiệt độ cao làm ảnh hưởng đến chúng, gây nên hiện tượng phù pin, khiến nhiệt độ pin tăng cao có thể xảy ra cháy nổ. Vì vậy, các hãng sản xuất và các chuyên gia vẫn luôn khuyến cáo người dùng không nên để sạc dự phòng ở trong cốp xe, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các thiết bị có nhiệt độ cao.

Bảo quản nơi khô ráo tránh ẩm ướt. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản tốt sạc dự phòng là ở 45 độ C và đặt chúng ở những nơi khô ráo, không ẩm ướt. Vì sự ẩm ướt sẽ ảnh hưởng đến bo mạch và IC nguồn bên trong làm rỉ sét. Điều kiện nhiệt độ và độ ẩm rất quan trọng vì nó sẽ cùng với điện năng tác động trực tiếp lên bo mạch làm nó bị gỉ sét và chạm cháy. Đặt pin sạc dự phòng ở nơi khô ráo, sạch sẽ cũng giúp cho tuổi thọ pin được kéo dài.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 101:2020/BTTTT về quản lý pin lithium cho thiết bị cầm

Năm 2017, Uỷ ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) đã công bố tiêu chuẩn mới cho pin lithium là bộ tiêu chuẩn IEC 61960:2017, IEC 62133:2017 thay thế cho các tiêu chuẩn mà Việt Nam dùng để tham chiếu xây dựng QCVN 101:2016/BTTTT. Để phù hợp với thực tế và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, cần thiết phải xây dựng quy chuẩn mới QCVN 101:2020/BTTTT (sửa đổi QCVN 101:2016/BTTTT) để quản lý pin lithium cho thiết bị cầm tay gồm: pin lithium cho điện thoại di động, pin lithium cho máy tính bảng, pin lithium cho máy tính xách tay. Ngày 09/7/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BTTTT về

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay. Quy chuẩn này bao gồm các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu làm cơ sở kỹ thuật cho việc quản lý, đánh giá chất lượng pin lithium cho các thiết bị cầm tay gồm pin lithium rời hoặc lắp trong điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính xách tay. Quy chuẩn không áp dụng đối với pin lithium rời là pin sạc dự phòng.

Về quy định kỹ thuật QCVN quy định các chỉ tiêu như: Yêu cầu về các điện cực; Yêu cầu về cảm quan; Yêu cầu về ký hiệu và nhãn mác; Yêu cầu đối với tế bào; Yêu cầu về các đặc tính điện; Yêu cầu về đặc tính an toàn; Yêu cầu về dung sai thông số đo; Phương pháp đo đặc tính điện; Phương pháp đo đặc tính an toàn.

Về phương thức quản lý và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân: Pin lithium thuộc phạm vi điều chỉnh phải tuân thủ các quy định kỹ thuật của Quy chuẩn này.

QCVN quy định chỉ tiêu về đặc tính an toàn phải thực hiện bởi phòng thử nghiệm trong nước được chỉ định, hoặc phòng thử nghiệm ngoài nước được thừa nhận. Đối với chỉ tiêu khác, đặc biệt chỉ tiêu về các đặc tính điện (điều 2.5) do thời gian đo kéo dài và phá hủy thêm nhiều mẫu đo nên QCVN quy định để cho phép doanh nghiệp có thể tùy chọn sử dụng kết quả đo kiểm/thử nghiệm của phòng thử nghiệm trong nước được chỉ định, hoặc phòng thử nghiệm ngoài nước được thừa nhận, hoặc các phòng thử nghiệm trong nước và ngoài nước được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 17025, hoặc kết quả đo kiểm/thử nghiệm của nhà sản xuất. Các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện các quy định về công bố hợp quy theo các quy định hiện hành.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang