Cho vay tiêu dùng: Lợi ích song hành cùng rủi ro

author 14:26 22/05/2018

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, việc cho vay tiêu dùng phát triển mạnh đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro, cạm bẫy.

Cho vay tiêu dùng phát triển mạnh

Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, thực tế 1 năm qua tiếp tục khẳng định, lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng đang phát triển với tốc độ rất cao tại Việt Nam, với mức tăng trưởng bình quân toàn thị trường đạt 2 con số mỗi năm và đã cán mốc 1 triệu tỷ đồng dư nợ vào năm 2017.

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Đầu tư nhận định thị trường cho vay tiêu dùng đang phát triển với quy mô ngày càng rộng lớn. Ảnh: Phong Lâm 

Sự phát triển nhanh của thị trường cho vay tiêu dùng một mặt phản ánh nhu cầu rất lớn về tài chính cá nhân chưa được thỏa mãn của người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời là minh chứng về tính đúng đắn của hệ thống cơ chế, chính sách và sự nhạy bén của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính.

“Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy, sự phát triển tài chính tiêu dùng tại Việt Nam là xu thế tất yếu và đúng hướng để đáp ứng được nhu cầu của thị trường 95 triệu dân có thu nhập trung bình thấp. Tài chính tiêu dùng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dân cư, kích cầu nội địa, mà quan trọng hơn là đã góp phần ổn định xã hội thông qua việc thu hẹp thị trường tín dụng phi chính thức có quy mô ước tính lên tới con số 50 tỷ USD vào năm 2016, trong đó có những hoạt động tín dụng “đen” gây ra rất nhiều hệ lụy xã hội”, ông Minh nói.

Ông Minh nhận định rằng, trong thời gian tới, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đang phát triển nhanh và chắc chắn sẽ còn rất sôi động. Điều này có thể khẳng định các ngân hàng và các công ty tài chính đang đầu tư mạnh mẽ nhằm cung ứng các giải pháp và sản phẩm tốt hơn nữa cho thị trường.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, sự phát triển của cho vay tiêu dùng chính là sự mở rộng tiếp cận tài chính cho người dân đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi và những người không có thu nhập cao.

Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều là nhỏ và có tuổi đời còn thấp do đó rất khó để có đủ điều kiện tiếp cận vốn theo hình thức cho vay doanh nghiệp.

Sự phát triển cho vay tiêu dùng làm cho việc sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn. Nó cho phép biến các tài sản cố định như đất đai, nhà cửa trở thành các tài sản có thể sử dụng vào các mục đích đầu tư và tiêu dùng.

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN). Ảnh: Phong Lâm 

Hầu như tại tất cả các nước trên thế giới thì thế chấp nhà cửa để vay tiêu dùng là cách hầu như duy nhất cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập có thể sử dụng để vay tiền cho mục đích phục vụ cuộc sống và kinh doanh.

“Nhờ các hoạt động cho vay tiêu dùng mà những người có tài sản cố định lớn từ lâu "ngồi trên đống tài sản" có thể sử dụng đống tài sản của mình phục vụ nhu cầu đời sống và kinh doanh. Như vậy, cho vay tiêu dùng phát triển là điều kiện cần thiết để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp phát triển, đặc biệt là tại các nước mà các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp còn rất ít và mỏng” ông Tú Anh nói.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo ông Lê Trọng Minh, giống như tất cả các ngành và lĩnh vực kinh tế khác, sự phát triển mạnh mẽ của tài chính tiêu dùng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng cũng đặt hoạt động này trước nhiều thách thức.

“Với hàng chục triệu khoản vay quy mô từ vài trăm nghìn đồng tới vài chục triệu đồng được các ngân hàng và công ty tài chính phê duyệt mỗi năm đòi hỏi lực lượng nhân sự và hệ thống dữ liệu khổng lồ để phục vụ.

Việc đảm bảo tính tuân thủ và chuẩn mực của các nhân sự tham gia vào hệ thống còn mới mẻ này là không dễ và thực tế thị trường cho thấy, những khiếu nại của khách hàng chủ yếu xuất phát từ khâu chất lượng phục vụ này”, ông Minh nêu vấn đề.

Còn theo TS Cấn Văn Lực, thị trường tài chính tiêu dùng cũng đang chỉ tập trung vào 4 công ty lớn là FE Credit (50% thị phần), Home Credit (17%), HD Saison (13%) và Prudential Finance (8%). Những công ty này đã chiếm đến gần 90% thị phần, có thể dẫn đến rủi ro tập trung, khả năng thao túng cũng như hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng…

Trong khi đó, kiến thức tài chính của người tiêu dùng Việt Nam chưa cao. Nhiều người không hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng và đôi khi không được tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng tín dụng, nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt.

Chính điều này cũng có ảnh hướng nhất định đến tính thiếu tuân thủ các điều kiện tín dụng, dẫn đến chịu lãi phạt cao và các công ty tài chính phải liên tục gọi điện để đòi nợ. Điều này làm mất thiện cảm đối với các công ty tài chính, cũng như gây bức xúc dư luận thời gian qua. Bên cạnh đó, hiện còn xảy ra tình trạng thông tin mà các công ty tài chính cung cấp cho người tiêu dùng đôi khi chưa hoàn toàn minh bạch, rõ ràng.

TS Cấn Văn Lực cho rằng thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng hiện tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Phong Lâm 

Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, đã có nhiều khiếu nại của khách hàng với các công ty tài chính, trong đó phần lớn là những phản ánh việc các công ty này đã không giải thích rõ ràng điều khoản của hợp đồng như lãi suất, thời hạn, các mức phạt, hoặc các nhân viên tư vấn cung cấp thông tin không chính xác, chưa đầy đủ…

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phản ánh trên các diễn đàn về tình trạng bị đòi nợ liên tục, trong khi thái độ của một số nhân viên đòi nợ chưa đúng mực, dẫn đến mâu thuẫn, thiếu hợp tác từ phía người vay vốn.

Bên cạnh đó, hiệu quả kinh doanh của những công ty tài chính này sẽ có khó có thể giữ được mức như hiện tại trong tương lai. Trong dài hạn, hoạt động tín dụng tiêu dùng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thiếu bền vững do tập trung nhiều vào một phân khúc khách hàng, không có tài sản thế chấp, thẩm định khách hàng chưa kỹ lưỡng….

Trong khi đó, hoạt động này lại nhạy cảm với điều kiện kinh tế vĩ mô (kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi nền kinh tế khó khăn, nợ quá hạn từ thẻ tín dụng và cho vay tiêu dùng thường tăng nhanh).

"Việc thiếu một hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng và các tài chính tiêu dùng nói chung", ông Lực nói.

Phong Lâm

Vì sao lãi suất cho vay tiêu dùng gấp 3 lần lãi ngân hàng?Lãi suất cho vay tiêu dùng thông thường trên thị trường hiện nay đang gấp khoảng 3 lần lãi vay cùng kỳ hạn của các ngân hàng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang