Nguy cơ đột tử vì chứng ngưng thở khi ngủ

author 16:39 28/03/2015

(VietQ.vn) - Triệu chứng thường gặp của chứng ngưng thở khi ngủ là ngáy, giật mình thức giấc kèm theo thở gấp, ngạt thở, buồn ngủ vào ban ngày. Chứng bệnh này có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là đột tử.

Theo số liệu của tổ chức Y tế Thế giới WHO, tỷ lệ người mắc chứng ngưng thở khi ngủ ở Châu Á là từ 4,1% đến 7,5% (ở nam giới) và từ 2,1% đến 3,2% (ở nữ giới) trong độ tuổi trung niên, báo Infonet cho biết.

Đối tượng dễ mắc bệnh

Chia sẻ với VnExpress, bác sĩ Hoàng Chân Phương (bệnh viện Quốc tế Thành Đô) cho biết có 3 nhóm người dễ mắc chứng bệnh này: Người béo phì là nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là những người có cấu trúc sọ mặt và mô mềm đường hô hấp trên bất thường, còn lại là những đối tượng khác như do di truyền, hút thuốc lá, mắc sung huyết mũi, đái tháo đường, uống rượu, dùng thuốc an thần, mãn kinh.

Chứng ngưng thở khi ngủ diễn ra phổ biến nhất ở người béo phì

Chứng ngưng thở khi ngủ diễn ra phổ biến nhất ở người béo phì

Biểu hiện lâm sàng

Trả lời phỏng vấn trên báo Thanh Niên, thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh (bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) chi biết, việc ngủ ngáy không hẳn là dấu hiệu của bệnh, nhưng tất cả bệnh nhân bị ngưng thở lúc ngủ đều ngáy, khoảng 10 giây mỗi đợt ngưng thở, kèm theo các triệu chứng: khi ngủ thở phì phò, dồn dập, ngắt quãng.

Chia sẻ trên báo Người lao động, bác sĩ Ngô Văn Tuấn thông tin thêm, bệnh biểu hiện bằng các đợt ngưng thở, mỗi đợt cách nhau từ 20-30 giây (tim vẫn đập bình thường). Sau mỗi đợt ngừng thở, người bệnh lại đột ngột thở lại ngay và bừng tỉnh dậy. Nếu ngừng thở quá nhiều lần (trên 30 đợt/6 giờ) sẽ làm giảm lượng ôxy cung cấp cho máu. Bệnh nhân không nhớ gì sau khi bừng tỉnh mà chỉ cảm thấy mình đã ngủ không tốt hay phàn nàn là toàn nằm mơ khi ngủ.

Hậu quả

Khi não bị thiếu ô xy do ngưng thở lúc ngủ sẽ “đánh thức” bệnh nhân để thở, cứ vậy lặp lại nhiều lần trong đêm khiến bệnh nhân không có giấc ngủ sâu, hay thức đêm, đêm ra nhiều mồ hôi, sáng dậy mệt mỏi, khô họng, nhức đầu; làm việc thiếu tập trung, thay đổi tính tình (dễ cáu gắt), hay buồn ngủ ngày...

Bị ảnh hưởng nhiều nhất là tim vì phải bơm máu lên não nhiều hơn khi thức. Về lâu dài, bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, tai biến mạch máu não, thậm chí đột tử trong khi đang ngủ.

Chứng ngưng thở khi ngủ rất có hại cho sức khỏe con người

Chứng ngưng thở khi ngủ khiến cơ thể bệnh nhân mệt mỏi, trí nhớ suy giảm

Mức độ bệnh và cách điều trị 

Bác sĩ Hạnh cho biết mức độ bệnh được đánh giá theo độ ngưng thở (AHI): nhẹ (từ 5 - 15 lần/giờ), trung bình (từ 15 - 30 lần/giờ); nặng (31 - 50 lần/giờ) và rất nặng (trên 50 lần/giờ).

Mức độ nhẹ: Người bệnh nên thay đổi lối sống, giảm cân, dùng gối tránh ngáy, ngủ tư thế nghiêng, tránh sử dụng rượu, thuốc lá, thuốc an thần; hoặc dùng dụng cụ nâng hàm gắn ở miệng để đưa hàm dưới ra trước, tăng khoảng trống của vùng hầu và vùng sau đáy lưỡi, giảm tính xẹp của vùng hầu.

Mức độ trung bình: Nếu nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ là do bất thường về cấu trúc vùng tai mũi họng thì bệnh nhân được điều trị theo phương pháp phẫu thuật tạo hình vòm miệng hầu lưỡi gà. Khi đó bệnh nhân sẽ được cắt amidan, lưỡi gà và vòm khẩu cái sau.

Mức độ nặng: Người bệnh nên sử dụng máy thở trong khi ngủ. Máy thở có tác dụng giúp mở và ngăn ngừa xẹp đường hô hấp trên, giảm buồn ngủ vào ban ngày ở hầu hết tấc cả các bệnh nhân, cải thiện tăng huyết áp, tiểu đêm.

Loan Tô (T/h)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang