Ngày càng nhiều người làm báo bị hành hung: Chúng tôi cần được bảo vệ

author 09:31 25/09/2016

(VietQ.vn) - Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã phải thốt lên rằng: "Chúng tôi cần được bảo vệ với tư cách là những người lương thiện"

Những vụ hành hung người làm báo ngày càng nhiều

Gần đây nhất, ngày 23.9.2016, có mặt để tác nghiệp đúng luật tại một vụ việc trên cầu Nhật Tân, phóng viên Quang Thế - Báo Tuổi Trẻ đã bị một số đối tượng cố tình cản trở công việc, hành hung và đe dọa. Sau đó, họ được xác định là những chiến sỹ cảnh sát hình sự của công an huyện Đông Anh.

 PV Quang Thế bị  một số CSHS huyện Đông Anh hành hung, Ảnh: MC

Trong cùng một diễn biến sự việc trên cầu Nhật Tân này, cũng chính những cán bộ công an này được cho là đã cản trở hoạt động báo chí đúng luật của nhóm PV báo Pháp luật Việt Nam, khi những người này đến đưa tin. Một người tự xưng là chỉ huy của tổ công tác đã cản trở tác nghiệp, ngang nhiên thách thức, thậm chí là đập máy quay của phóng viên.

Ngày 22.7.2016, nhận được thông tin nghi vấn Công ty TNHH Môi trường Phú Hà (Công ty Phú Hà) đặt tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) nhận xử lý hơn 145 tấn chất thải của Fomosa Hà Tĩnh, nhóm PV của báo Lao Động và Đài truyền hình VTC14 đã có mặt tại địa điểm này để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, trong lúc hai nhóm PV đang tác nghiệp tại khu vực gần Công ty Phú Hà thì bị một nhóm người tự xưng là bảo vệ của Công ty Phú Hà đến cản trở tác nghiệp, có những lời nói khó nghe, phát ngôn tục tĩu, sau đó có hành vi đập phá máy quay, tát quay phim, giật điện thoại di động, chân máy quay của phóng viên và quay phim của kênh truyền hình VTC14 rồi đi khỏi hiện trường.

Ngày 8.5.2016, hai phóng viên Trịnh Lưu Tuấn và Phùng Văn Định (Đài Truyền hình Việt Nam) khi đang vào vai tác nghiệp điều tra nghi vấn quá trình sản xuất chè, đã bị một đối tượng dùng dao chém gây thương tích và đập hỏng camera

Trước đó, ngày 23.3.2016, nhà báo Đỗ Doàn Hoàng (Báo Lao động) cũng đã bị 3 đối tượng chặn xe trên đường đi làm, dùng gậy đánh đập ở khu vực chung cư Kim Lũ (phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội). Nhờ đội mũ bảo hiểm nên nhà báo Hoàng may mắn không bị thương nặng ở đầu, nhưng ngón tay trỏ của bàn tay phải đã bị dập nát, nhiều vết trên người bị sưng to, trầy xước, bầm tím…

 Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng sau khi bị hành hung. Ảnh: VTC

Trở lại thời điểm của khoảng một năm trước, 4.9.2015  vợ chồng nhà báo Nguyễn Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng Thời sự Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Thái Nguyên bị 2 đối tượng chặn xe, cầm búa đinh và dao đập cửa kính ô tô bên ghế lái, dùng dao chém tới tấp vào người. Kết quả điều tra cho thấy, nguyên do sự việc bởi vì các đối tượng muốn "dằn mặt" nhà báo vì phóng sự điều tra "Khai thác khoáng sản trái phép tác động đến môi trường Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng".

Còn nhiều, còn nhiều nữa những vụ từ đơn giản đến nghiêm trọng các hành vi cố tình cản trở, đe dọa, hành hung phóng viên. Và dường như mức độ gia tăng của điều này đang ngày một nhiều. Các vụ việc xảy ra công khai hơn, ngang nhiên thách thức và liều lĩnh hơn.

Cần tìm lại niềm tin và cần lắm được bảo vệ

Nói về nghề báo, ai cũng biết đó là nghề vinh quang nhưng cũng đầy những vất vả, gian nan rồi có cả những đắng cay, tủi cực. Nghề báo được đánh giá là nghề nguy hiểm nhất trong những nghề nguy hiểm. Và những người làm báo, họ được coi là những chiến sỹ cầm bút, là đại diện cho tiếng nói người dân trong sự nghiệp phát triển lâu dài. Thế nhưng, những chiến sỹ ấy, những tiếng nói ấy đang càng ngày càng bị đe dọa bởi sự manh động đến đáng sợ.

Trên thực tế, việc tiếp cận thông tin của nhà báo nhiều chỗ, nhiều lúc vô cùng khó khăn, nhất là khi tìm hiểu các thông tin tiêu cực. Chính vì thế, đây là mấu chốt chính thường dẫn đến động cơ hành hung, đe dọa nhà báo, phóng viên của các đối tượng. Thế nhưng, có một sự thật là, không ít những vụ việc sai trái, những uẩn khúc, những vi phạm pháp luật được đưa ra ngoài ánh sáng nhờ báo chí. Đó là thành quả của nhiều những nhà báo, phóng viên, họ đã và đang lặng lẽ chỉ với cây bút của mình, đi vào nguy hiểm để tìm ra sự thật.

 Hình ảnh PV báo Lao động bị cản trở tác ngiệp - Ảnh cắt từ clip của Báo Lao động

Sau sụ việc bị hành hung, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã phải thốt lên rằng: "Chúng tôi cần được bảo vệ với tư cách là những người lương thiện". 

Việc các nhà báo, phóng viên liên tiếp bị hành hung dường như đang ngày càng trở thành một vấn nạn của xã hội. Không chỉ riêng những nhà báo nổi tiếng, mà hàng vạn nhà báo, phóng viên khác ở Việt Nam vẫn đang từng ngày, từng giờ phải đối mặt trước nguy hiểm. Thế nhưng, họ cũng chỉ là những người bình thường, chỉ có cây bút mà không hề được trang bị bất cứ một quyền lực nào có thể tự bảo vệ mình trước cái xấu. Thậm chí, họ cũng đang ngày đêm chiến đấu trên những mặt trận chống tội phạm, nhưng họ chưa được coi là những người đang thi hành công vụ.

Phóng viên báo Tuổi trẻ bị hành hung, đập thiết bị khi tác nghiệp(VietQ.vn) - Khi phóng viên báo Tuổi trẻ đang tác nghiệp đúng luật tại cầu Nhật Tân thì bị các đối tượng lao đến cản trở, hành hung, đập thiết bị quay.

Hơn khi nào hết, những phóng viên, nhà báo lúc này đang cần có một hậu phương thật vững chắc, một niềm tin để những người cầm bút yên tâm và tiếp tục cống hiến.  

Thiên Thảo

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang