Chuyển dịch lao động đang làm việc trong nền kinh tế với vấn đề năng suất lao động

author 06:45 16/02/2023

(VietQ.vn) - Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc gia nhập các Hiệp định thương mại tự do, hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Đó là những nhân tố tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế ở nước ta thời gian qua.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, yếu tố chuyển dịch cơ cấu lao động đóng vai trò quan trọng vào tăng năng suất lao động (NSLĐ) của nền kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động thời gian qua còn chậm. Giai đoạn 2011-2015, quá trình chuyển dịch lao động diễn ra mạnh mẽ từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ.

Theo đó, năm 2015, tỷ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực nông nghiệp và thủy sản chiếm 43,6% tổng số lao động đang làm việc của toàn nền kinh tế, giảm 4,9 điểm phần trăm so với năm 2011; trong khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 23%, tăng 1,7 điểm phần trăm; trong khu vực dịch vụ chiếm 33,4%, tăng 3,2 điểm phần trăm.

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc gia nhập các Hiệp định thương mại tự do, hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

 Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc gia nhập các Hiệp định thương mại tự do, hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Bình quân giai đoạn 2011-2015, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế tăng 797,2 nghìn người/năm, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 150,9 nghìn người/năm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 316,2 nghìn người/năm; khu vực dịch vụ tăng 631,9 nghìn người/năm. Chuyển dịch lao động đang làm việc trong giai đoạn 2016-2020 diễn ra mạnh mẽ hơn giai đoạn trước.

Theo đó, năm 2020, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 33,1%, giảm 8,5 điểm phần trăm so với năm 2016; trong khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 30,8%, tăng 5,6 điểm phần trăm; trong khu vực dịch vụ chiếm 36,1%, tăng 2,9 điểm phần trăm.

Bình quân giai đoạn 2016-2020, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế tăng 99,8 nghìn người/năm, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1.082,2 nghìn người/năm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 853,6 nghìn người/năm; khu vực dịch vụ tăng 328,5 nghìn người/năm. Tuy tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ còn thấp nhưng đây là tín hiệu tích cực thúc đẩy người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn chuyển đổi sang ngành nghề phi nông nghiệp để nâng cao NSLĐ và thu nhập.

Nhờ đó, trong giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng lao động của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giảm mạnh so với giai đoạn trước. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của các khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ đạt lần lượt là 2,93%/năm; 7,53%/năm và 6,40%; tương ứng với tốc độ tăng/giảm lao động của các khu vực kinh tế lần lượt là: giảm 5,2%/ năm; tăng 6,2%/năm và tăng 1,8%/năm.

Do vậy, chuyển dịch cơ cấu lao động đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng của các khu vực kinh tế. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo tăng cao nhất so với các ngành khác, cho thấy vai trò chủ đạo trong việc giải quyết việc làm cho lao động dịch chuyển từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Năm 2020, lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo chiếm 21,1% tổng số lao động đang làm việc của nền kinh tế, tăng 7,2 điểm phần trăm so với năm 2011 (13,9%).

Trong khu vực dịch vụ, lao động ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô năm 2020 chiếm 13,6% tổng số lao động đang làm việc của cả nước, tăng 2,1% so với năm 2011 (chỉ thấp hơn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Như vậy, hơn 67,7% lao động cả nước đang làm việc ở 3 ngành kinh tế chính là nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ bán buôn, bán lẻ. Tuy nhiên, sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ thực tế vẫn chưa tạo ra được nhiều việc làm để thu hút lao động từ các ngành nông nghiệp chuyển sang, phần lớn lao động di chuyển ra khỏi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chủ yếu chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp.

NSLĐ của một số ngành mặc dù cao hơn so với NSLĐ chung của toàn nền kinh tế nhưng không bù đắp được mức NSLĐ thấp ở các ngành tập trung nhiều lao động giản đơn, dẫn đến NSLĐ của toàn nền kinh tế ở mức thấp, thậm chí giảm.

 NSLĐ của một số ngành mặc dù cao hơn so với NSLĐ chung của toàn nền kinh tế nhưng không bù đắp được mức NSLĐ thấp ở các ngành tập trung nhiều lao động giản đơn, dẫn đến NSLĐ của toàn nền kinh tế ở mức thấp, thậm chí giảm.

Vì vậy, mặc dù khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện chiếm tới 33,1% lao động của cả nước nhưng nhóm ngành này mới chỉ tạo ra 12,66% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 30,8% lao động nhưng tạo ra 36,74% GDP; khu vực dịch vụ chiếm 36,1% lao động nhưng tạo ra 41,83% GDP. Quá trình dịch chuyển lao động giữa các khu vực, giữa các ngành đã tác động tới gia tăng NSLĐ của nền kinh tế.

Lao động di chuyển từ ngành có NSLĐ thấp sang ngành có NSLĐ cao hơn sẽ làm cho NSLĐ tăng lên. Nguyên nhân do quá trình dịch chuyển lao động đã bổ sung thêm lao động cho ngành tiếp nhận, thêm vào đó, để thích ứng và tồn tại trong bối cảnh mới người lao động phải nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc dẫn đến thúc đẩy tăng NSLĐ.

Đồng thời, quá trình này cũng đào thải, lựa chọn các lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và không thích ứng được với yêu cầu công việc dẫn đến di chuyển sang các ngành chỉ sử dụng lao động giản đơn là chính. Mặt khác, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ở mức rất thấp, phần lớn tập trung trong các ngành nghề sử dụng lao động giản đơn. Do vậy NSLĐ của một số ngành mặc dù cao hơn so với NSLĐ chung của toàn nền kinh tế nhưng không bù đắp được mức NSLĐ thấp ở các ngành tập trung nhiều lao động giản đơn, dẫn đến NSLĐ của toàn nền kinh tế ở mức thấp, thậm chí giảm.

Hoàng Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang