Chuyển đổi sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của thị trường nhập khẩu
Hoạt động TCĐLCL: Đổi mới căn bản, tạo điều kiện thuận lợi để DN phát huy mọi năng lực sáng tạo
Đáp ứng tiêu chuẩn, rau quả Việt rộng đường xuất khẩu
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành các chủ trương, đường lối và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Trong đó, nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng và có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam ký kết và tham gia nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì xuất khẩu xanh càng trở nên vô cùng quan trọng. Điển hình như đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ông Thomas Wiersing, Đại diện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, cần lấy thương mại và phát triển bền vững làm trung tâm để được coi trọng.
Việc thực hiện đầy đủ Chương về thương mại và phát triển bền vững sẽ giúp Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn lao động và làm việc quốc tế, cũng như các cam kết về môi trường, mở đường cho quá trình chuyển đổi xanh. Việc đạt được các mục tiêu này, sẽ góp phần tích cực vào việc cải thiện hiệu quả hoạt động của nền kinh tế Việt Nam, sẽ giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận một điều rằng, hiện nay vẫn còn rất nhiều những doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng xanh hóa. Nguyên nhân là do nhận thức chưa đầy đủ về kinh doanh xanh, kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh bền vững... Hơn nữa, cũng bởi nước ta có hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa dẫn đến thiếu tiềm lực về tài chính, công nghệ nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư và phát triển.
Giới chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp rất cần đến những giải pháp tài chính xanh từ những định chế tài chính như ngân hàng để có thể tiếp cận những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai, theo đuổi chiến lược cạnh tranh xanh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần có những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước về khung khổ pháp lý nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh xanh, thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh bền vững và có trách nhiệm.
Thanh Tùng