Chuyển đổi xanh trong ngành dệt may còn nhiều hạn chế

author 05:42 07/09/2023

(VietQ.vn) - Ngành dệt may đã chịu nhiều áp lực từ thị trường xuất khẩu như: Áp lực đánh giá của nhãn hàng về thị trường xanh bền vững, khí thải, rác thải, môi trường làm việc và đặc biệt là các chứng chỉ an toàn cho sản phẩm vào thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ. Chính vì thế đã có doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất xanh nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, toàn ngành xuất khẩu được 26,3 tỷ USD, riêng tháng 8 là 3,6 tỷ USD. Số liệu này cho thấy thị trường toàn cầu bắt đầu nóng lên nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với ngành, đó là mô hình phát triển bền vững. Ngành dệt may đang đứng trước cơ hội rất lớn nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Chính phủ ký với các quốc gia trên thế giới.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cách đây 5 năm ngành dệt may đã chịu nhiều áp lực từ thị trường xuất khẩu như: Áp lực đánh giá của nhãn hàng về thị trường xanh bền vững, khí thải, rác thải, môi trường làm việc và đặc biệt là các chứng chỉ an toàn cho sản phẩm vào thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ. Chính vì thế đã có doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất xanh nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Lý do hạn chế được các doanh nghiệp dệt may trong ngành chỉ ra gồm: Việc đầu tư cho phát triển xanh phải đi đường dài và cần nguồn vốn lớn nhưng tiềm lực tài chính lại có hạn. Đó là chưa kể, trong ngành dệt may có rất nhiều doanh nghiệp chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận nguồn vốn vì thế càng khó khăn hơn.

Đã có doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất xanh nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Ảnh minh họa 

Trước những khó khăn này, ông Giang mong các cơ quan quản lý có hướng dẫn linh hoạt cho từng doanh nghiệp, từng địa phương để đảm bảo khả năng tài chính, nội lực thực hiện. Cùng với đó là chính sách vốn để các doanh nghiệp dệt may đầu tư máy móc, công nghệ theo xu hướng xanh, bền vững. Theo các chuyên gia, vốn cho phát triển xanh là cấp bách và các doanh nghiệp trong lúc chờ chính sách có thể tìm kiếm nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế.

Liên quan vấn đề này, theo bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý dự án công trình xanh và biến đổi khí hậu của Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC (thuộc ngân hàng Thế giới - WB), các cơ hội tài chính xanh quốc tế cũng đang tiếp cận thị trường Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm tài chính xanh còn giúp các ngân hàng tiếp cận nhiều nguồn vốn ưu đãi. Chẳng hạn như chương trình tăng cường thị trường xây dựng xanh (MAGC) do Chính phủ Anh hợp tác với IFC triển khai, sẽ cung cấp tài chính ưu đãi qua các ngân hàng trung gian để thúc đẩy hoạt động xây dựng xanh tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo bà Đỗ Ngọc Diệp, hiện nay các khoản tín dụng xanh được cung cấp cho nhiều đối tượng người vay, với phí vốn thấp hoặc điều khoản trả nợ có lợi. Hầu hết doanh nghiệp đều có thể tiếp cận các tín dụng xanh bằng cách tách chi tiêu cải thiện xanh khỏi chi tiêu chung. Thí dụ, chia thành từng khoản cho việc lắp đặt thiết bị sưởi hoặc làm mát tiết kiệm năng lượng hơn.

Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) nhận định: “Nếu doanh nghiệp không có chiến lược chuyển đổi, khách hàng sẽ lựa chọn những nhà cung cấp khác đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh và phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ mất đơn hàng và sẽ không thể tồn tại.” Do đó, các tiêu chí để đạt được mục tiêu “xanh hóa” như: Hiệu quả năng lượng, tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý chất thải và bao bì… là một trong những yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày thực hiện.

Để đạt được điều này, bà Bà Đinh Thị Bảo Linh - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương kiến nghị cần thực hiện tái cấu trúc các ngành xơ sợi, dệt nhuộm, may mặc và ngành sản xuất da, sản phẩm giày dép... theo hướng kết nối chuỗi giá trị, cân bằng giữa sản xuất nguyên phụ liệu với gia công sản phẩm để tạo giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững.

Ngoài ra, việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại, đồng bộ… sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho công tác xử lý nước thải, chất thải trong các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành đã được quy hoạch.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang