Chuyên gia cảnh báo không nên ăn bánh chưng, bánh tét bảo quản trong tủ lạnh

author 06:22 03/02/2023

(VietQ.vn) - Chuyên gia khuyên rằng các gia đình không nên bảo quản bánh chưng trong ngăn đá tủ lạnh, bởi nếu không bảo quản cẩn thận, bánh rất dễ gây ra nhiều vi khuẩn có hại cho sức khỏe đường ruột.

Không nên bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh, nhất là ngăn cấp đông

Sau Tết, nhiều gia đình vẫn có thói quen gói bánh chưng với số lượng nhiều để ăn dài ngày trong dịp Tết. Có nhà thậm chí để bánh chưng cả tháng trong tủ lạnh để ăn dần. Hạn sử dụng của bánh chưng tối đa là bao lâu hay chỉ dựa vào cảm quan là điều không phải ai cũng biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với thực phẩm tự làm từ khâu chế biến đến bảo quản, hạn sử dụng là do mỗi người tự quyết định. Tuy nhiên về nguyên tắc, thực phẩm đã chế biến để càng lâu thì các thành phần dinh dưỡng càng biến chất, độ thơm ngon cũng giảm dần.

"Bánh chưng ăn ngon nhất trong khoảng 1 tuần trở lại, tùy vào điều kiện bảo quản. Bánh chưng cần được để ở nơi khô ráo, thoáng mát. Nhiệt độ cao làm nhân bên trong dễ bị chảy nước, bốc mùi, nấm mốc", TS Hoan cho biết. 

Sử dụng bánh chưng có dấu hiệu ẩm mốc rất có hại cho sức khỏe 

TS Hoan khuyên, sau Tết, nếu các gia đình vẫn còn nhiều bánh chưng thì nên để trong tủ lạnh. Tuy vậy nhiệt độ thấp sẽ làm bánh nhanh cứng. Khi bảo quản bánh trong tủ lạnh phải để ở mức nhiệt 5-10 độ C ở ngăn mát, không để ở ngăn đá. Bánh có thể cắt ăn dần nhưng cắt đến đâu ăn hết tới đó, phần còn lại phải bọc màng bọc thực phẩm để bánh không bị hút hết chất ẩm dẫn đến khô, cứng, giảm độ ngon.

Để bảo quản bánh chưng lâu, nhiều người để vào trong ngăn đá tủ lạnh. Khi lấy ra rã đông, hấp hoặc rán lên, bánh vẫn thơm ngon. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Hoan, đây là thói quen cực kỳ nguy hiểm, thậm chí có thể gây ra ung thư nếu sử dụng thực phẩm là tinh bột trong ngăn trữ đông.

"Tuyệt đối không được để bánh chưng trong ngăn đá tủ lạnh, dù khi lấy ra ăn vẫn ngon, thơm. Nhưng bên trong hạt gạo thì đã bị biến đổi, các thành phần trong bánh cũng thay đổi, thậm chí người ăn vào lâu dài có hại đến mức có thể bị ung thư. Lý do là tinh bột sau khi đóng băng sẽ bị thay đổi, phá vỡ hết thành phần cấu trúc. Khi đóng băng như vậy, cenlulo sẽ bị phân hủy thành chất độc gây ung thư ở con người", TS Nguyễn Văn Hoan cho biết.

Tất cả các loại tinh bột đều không nên ăn lạnh vì nó không phát huy được thành phần dưỡng chất ở nhiệt độ thấp, khi ăn cũng không ngon. Với bánh chưng hay cơm trắng cũng vậy, khi ăn phải làm nóng lên. Tương tự, cũng không nên cất trữ cơm trong ngăn đá lấy ra dùng dần vì tinh bột sẽ bị biến đổi, rất có hại cho sức khỏe.

"Rất nhiều gia đình hiện có thói quen để bánh chưng ngăn đá tủ lạnh, rất nguy hiểm. Phải bỏ ngay thói quen này trước khi muộn", TS Nguyễn Văn Hoan khuyên.

Nhận biết bánh chưng đã bị hỏng và cách bảo quản

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, từng công tác tại Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, khi bánh có các dấu hiệu như chảy nước, có mùi ôi, xuất hiện nhớt ở vỏ bánh… thì không nên luộc lại nữa mà phải bỏ đi do lúc này vi khuẩn đã xâm nhập, làm hỏng bánh. Ăn vào rất dễ ngộ độc.

Ngoài ra, khi bánh bị mốc thì nên bỏ đi, không nên gọt bỏ phần ngoài của bánh rồi rán lên ăn. Ăn bánh như vậy rất dễ bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, thậm chí là ngộ độc. Tất cả các thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố Aflatoxin. Loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ Aflatoxin từ thực phẩm.

Nấm mốc xuất hiện ở một góc bánh, nhưng một số chủng nấm mốc có khả năng lên men làm bánh bị chua. Khi bánh bị mốc, nên bỏ cả bánh, bởi khi đó vi khuẩn đã xâm nhập sâu bên trong, nếu ăn sẽ dễ gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa.

Để bánh không bị mốc, tốt nhất bạn nên gói lượng bánh vừa đủ để ăn trong những ngày Tết. Bảo quản bánh bằng cách để nguyên lá gói và cho vào tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần mặt cắt lấy giấy nilon bao kín lại.

Nếu bánh có hiện tượng lại gạo (bánh cứng), nên luộc, chiên hoặc hấp lại và tiếp tục dùng. Bánh chưng để vào ngăn mát tủ lạnh có thể bảo quản 7-10 ngày.

Sử dụng lò vi sóng hoặc hấp lại trước khi ăn thay vì rán bánh. Nhiều gia đình thường xử lý bánh bị cứng bằng cách rán lại với dầu mỡ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên, mỗi lần ăn, gia đình nên làm nóng bánh chưng bằng lò vi sóng hoặc hấp lại. Nên hạn chế rán bánh vì như vậy đã làm tăng thêm lượng chất béo (dầu hoặc mỡ) vào khẩu phần ăn trong dịp Tết - không có lợi cho sức khỏe nhất là đối với người bị bệnh béo phì hoặc bị bệnh tim mạch.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang