Chuyên gia ‘hiến kế’ vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19

author 06:22 29/04/2020

(VietQ.vn) - Hiện, chưa thể khẳng định thời điểm nào đại dịch Covid-19 kết thúc, tuy nhiên chúng ta cần chủ động chuẩn bị kịch bản đúng và trúng, khi đó nhất định sẽ vượt qua thách thức và vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.

Tác động mạnh từ Covid-19

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) như một cú sốc giáng xuống nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Số liệu công bố mới đây từ Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý I/2020 đạt 3,82% so với cùng kỳ năm 2019 - mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. 

GDP quý I/2020 đạt 3,82% - mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. 

Dịch bệnh càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%.

Theo đó, một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145.000 tỉ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do “cầu” của thế giới giảm mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong quyết định đầu tư và chuyển hướng đầu tư an toàn hơn.

Cần chuẩn bị kịch bản đúng và trúng

Khi chưa thể khẳng định thời điểm nào dịch kết thúc, yêu cầu đặt ra chính là phải chủ động chuẩn bị kịch bản đúng và trúng, khi đó nhất định chúng ta sẽ vượt qua thách thức và vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.

Chia sẻ về vấn đề trên, Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Thế giới đang thay đổi, nền kinh tế Việt Nam đang thay đổi rất nhiều. Sau dịch bệnh, chúng ta sẽ thấy rằng vấn đề giao thương giữa con người với nhau, giữa các quốc gia với nhau sẽ thay đổi toàn diện. Do đó, việc tái đào tạo và đào tạo mới cho cán bộ nhân viên, nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế mới là vô cùng quan trọng”.

Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: “Cần có sự điều chỉnh các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phải đa dạng hóa thị trường, dù hiện nay cũng khó nói đa dạng hóa thị trường khi cả thế giới đóng băng. Nhưng kịch bản cho đa dạng hóa thị trường là cần thiết, để tránh bài học của quá khứ khi quá tập trung vào một thị trường lớn”.

Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải chủ động chuẩn bị kịch bản đúng và trúng nhằm vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.

Còn theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nhà nước cần ban hành những chính sách mới hỗ trợ có hiệu quả theo hướng tổng thể và đồng bộ, qua đó tạo sức bật cho những đầu tàu của nền kinh tế là các doanh nghiệp tiếp tục trụ vững và phát triển sau đại dịch. Chính phủ cần thành lập Ban chỉ đạo Tổ công tác đặc biệt, các cấp địa phương trợ giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc duy trì sản xuất kinh doanh.

“Nền kinh tế thế giới sau giai đoạn dịch bệnh này sẽ có thay đổi tương đối căn bản. Các chuỗi giá trị được thiết lập lại, các dòng vốn đầu tư thương mại sẽ đảo chiều. Các mô hình kinh doanh mới sẽ nảy sinh và phải chuẩn bị 1 nền tảng về cơ sở nhân lực thật tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thích ứng và tận dụng được những cơ hội mới cũng như đương đầu với thách thức”, ông Lộc nói.

“Chúng ta sẽ có những cơ hội đón dòng vốn đầu tư có chất lượng cao hơn dịch chuyển đến nước ta theo hướng bớt lệ thuộc vào 1 thị trường của các tập đoàn đa quốc gia. Để tận dụng được các dòng vốn đó, chúng ta phải tận dụng được yêu cầu cao về nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng như thể chế”, ông Lộc cho hay.

Chống dịch và vượt qua dịch đã khó, đứng dậy và phục hồi sau dịch bệnh càng khó hơn, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ và niềm tin. Rõ ràng, sau đại dịch lần này trong dài hạn, cần có những chính sách dài hơi hơn như: giữ nền tảng vĩ mô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau bệnh dịch. Đồng thời, từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc tương tự như Covid-19.

Dịch Covid-19: ‘Mồi lửa’ thúc đẩy phát triển kinh tế số(VietQ.vn) - Dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” đẩy số lượng không nhỏ doanh nghiệp rơi vào tình cảnh phá sản hoặc có nguy cơ phá sản, thế nhưng “trong nguy luôn có cơ” khi nhiều doanh nghiệp “ăn nên làm ra”…

Lê Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang