Chuyên gia lo ngại đeo nhầm mã số mã vạch Việt Nam cho hàng hóa 'made in China'

author 19:37 03/11/2017

(VietQ.vn) - Câu chuyện về Khaisilk được các chuyên gia đưa ra làm ví dụ khi đề cập đến những “kẽ hở” của doanh nghiệp không gắn mã số mã vạch định danh cho sản phẩm, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả ứng dụng MSMV đối với các sản phẩm, hàng hóa trong siêu thị Việt Nam” do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức ngày 2/11, ông Vũ Vinh Phú - Ủy viên BCH Hội mã số mã vạch (MSMV) Việt Nam cho rằng, với những tiện ích của MSMV đem lại, trong thời gian qua việc áp dụng MSMV ngày càng phổ biến hơn, quy mô lớn hơn, các chức năng của MSMV được mở rộng. Ngoài việc thanh toán tiền hàng cho khách , còn làm nhiệm vụ quản lý giá, dự trữ hàng hóa, chất lượng hàng hóa và hạn sử dụng, phát hiện hàng giả, công tác kho vận (logistic)…

Ông Vũ Vinh Phú - Hội MSMV Việt Nam: "Cần bổ sung những luật hành chính thương mại, luật hình sự về những vi phạm trong sử dụng MSMV ở thị trường Việt Nam cũng như hàng hóa xuất khẩu"

“MSMV không chỉ áp dụng vào khâu bán lẻ mà còn lan tỏa sang các lĩnh vực khác như ăn uống, chăm sóc sức khỏe, quản lý hành chính, bảo mật… Có thể nói việc áp dụng MSMV là không có giới hạn”, ông Phú nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, mặc dù đạt những kết quả trong nhiều năm qua nhưng trong quá trình áp dụng vào thực tế còn có một số yếu điểm tồn tại.

“Về thanh toán, tốc độ thanh toán cho khách hàng ở một số siêu thị còn chậm do máy đọc ở thế hệ cũ hoặc MSMV không chuẩn. Việc mở rộng áp dụng vào các khâu khác trong việc quản trị doanh nghiệp, quản trị bán hàng, đối ngoại… vẫn còn những hạn chế. Nhiều siêu thị khi thanh toán tiền cho khách vẫn còn sử dụng “công nghệ cổ tay”, nghĩa là dùng tay gõ từng mã hàng thay vì đưa vào máy quét”, ông Phú dẫn chứng.

Đề cập đến việc nhập nhèm nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, ông Phú cho biết, có những hàng hóa 100% của Trung Quốc nhưng lại đeo mã 893 của Việt Nam. Trong khi đó, chữ “made in China” thì phải đeo kính lúp mới có thể nhìn thấy được. Nhưng trên biển quảng cáo bán hàng thì lại ghi "Hàng Việt Nam xuất khẩu".

Chúng ta có đeo nhầm MSMV cho hàng đó không, hàng đó là hàng Việt Nam hay hàng Trung Quốc? ông Phú đặt vấn đề.

Ông Phú dẫn chứng vụ Khaisilk bán hàng Trung Quốc giả hàng Việt Nam và cho rằng, nếu như các sản phẩm của doanh nhân Hoàng Khải được gắn MSMV định danh thì sẽ không có chuyện nhập nhèm như vậy.

Ông Phú cũng chú ý những trường hợp lợi dụng MSMV để gây nhầm lẫn cho khách hàng, tạo vỏ bọc hợp pháp cho những hàng hóa lậu, hàng giả len lỏi vào các hệ thống bán lẻ một cách hợp pháp hoặc có thông đồng một cách bất hợp pháp giữa nhà cung ứng và nhà bán lẻ.

“Chúng ta cần bổ sung những luật hành chính thương mại, luật hình sự về những vi phạm trong sử dụng MSMV ở thị trường Việt Nam cũng như hàng hóa xuất khẩu”, ông Phú đề xuất.

Theo các chuyên gia, sự việc nhập nhèm tem nhãn, “một sản phẩm 2 xuất xứ” như của Khaisilk trong thời gian qua không phải là cá biệt. Tình trạng sản có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân “phù phép” thành sản phẩm của Việt Nam không phải là hiếm. Sản phẩm “đội lốt” này không giới hạn ở bất cứ nhóm hàng hóa nào mà phổ biến từ cao cấp đến bình dân.

Theo đó, về lâu dài các chuyên gia cho rằng, chính bản thân các doanh nghiệp phải có biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm, kênh phân phối bằng ứng dụng MSMV… Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh việc phối hợp với các lực lượng chức năng trong quá trình điều tra hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả mạo nhãn hiệu Việt.

Ứng dụng mã số mã vạch nâng cao chất lượng hàng hóa trong siêu thị(VietQ.vn) - Với khoảng 23.000 doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng mã số mã vạch, điều này đã tạo thuận lợi cho hàng triệu sản phẩm của Việt Nam được định danh trên kệ hàng của các siêu thị.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang