Chuyên gia năng suất hiến kế giúp doanh nghiệp trụ vững trước ‘cơn bão’ Covid-19

author 05:59 07/05/2020

(VietQ.vn) - Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sớm khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mới đây, Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “VNPI đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19”.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo kết quả khảo sát nhanh của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng thì gần 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã chủ động thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh do bị đứt gãy chuỗi cung ứng về cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm, nhất là trong các ngành dệt may và da giày, nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… Tuy nhiên, trước những tác động không nhỏ từ dịch bệnh, doanh nghiệp sẽ phải làm gì để có thể trụ vững và phát triển?

 Chuyên gia và khách mời tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “VNPI đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19”. 

Theo chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam, bà Vũ Hồng Dân - Trưởng phòng Cải tiến năng suất (VNPI), giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và trụ vững lúc này nằm ở tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp. Mọi thứ đều có rủi ro và chúng ta phải chấp nhận rủi ro như là một điều bình thường trong cuộc sống. Quyết định cắt giảm chi phí hay chuyển hướng đầu tư như thế nào... kế hoạch đều phải thay đổi. Sự nhạy bén, ứng biến linh hoạt của lãnh đạo doanh nghiệp lúc này có vai trò không nhỏ cho sự duy trì và phát triển của doanh nghiệp.

“Ngay lúc này doanh ngiệp cần phải rà soát môi trường sản xuất kinh doanh cả ở bên trong và bên ngoài. Không ngừng kết nối với khách hàng để từ đó có quyết định điều chỉnh kịp thời. Dịch Covid-19 giúp chúng ta thấy được những điểm nghẽn, yếu kém trong nội tại mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên để các thay đổi mang lại kết quả cao, các doanh nghiệp cần có những phân tích từng khâu, từng lĩnh vực sản xuất, thị trường… để từ đó có giải pháp cụ thể. Doanh nghiệp phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động để tạo sự đồng thuận và lôi kéo sự tham gia của toàn bộ người lao động”, bà Dân cho hay.

Ở góc độ khác, ông Cao Hoàng Long- Trưởng phòng Quản lý giải pháp và Đổi mới sáng tạo, VNPI cho rằng, ở góc độ vĩ mô có một số vấn đề doanh nghiệp vừa và nhỏ cần quan tâm đó là những tác động từ bên ngoài gồm chuỗi sản xuất kinh doanh đứt gãy, xuất khẩu nhập khẩu hạn chế hay EVFTA yêu cầu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các hàng rào kỹ thuật. Trong khi các tác động từ bên trong gồm các vấn đề như phương thức sản xuất, quản lý chất lượng, quản lý giao hàng, quản lý khách hàng, quản lý tồn kho…

Do vậy doanh nghiệp cần thiết lập trung và dài hạn đối với việc nâng cao năng suất tổng thể, đào tạo nâng cao nhân lực cho đội ngũ nhận sự cũng như thiết lập củng cố nền tảng hiện trường sản xuất, tập trung vào những công đoạn đơn giản, làm giảm thao tác của người lao động hoặc giúp người lao động thực hiện các thao tác dễ dàng hơn, đỡ tốn sức. Đồng thời kiểm soát được lượng hàng tồn kho... cũng như thực hiện các công cụ cải tiến năng suất.

Thực tiễn từ Công ty CP May Nam Hà cho thấy, là một trong những doanh nghiệp đi đầu của ngành dệt may Việt Nam, May Nam Hà đã áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng như: ISO 9000, 5S, TPM, Lean, KPI, Lean 6 Sigma, Kaizen. Nhận thấy cải tiến năng suất, chất lượng là hoạt động liên tục, từ năm 2018-2019, với sự hỗ trợ từ VNPI, công ty tiếp tục xây dựng mô hình nâng cao năng suất chất lượng tổng thể.

Theo ông Đoàn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Hà, cũng như nhiều mô hình cải tiến năng suất chất lượng khác, mô hình nâng cao năng suất tổng thể của May Nam Hà được triển khai dựa trên cách tiếp cận chu trình P-D-C-A. Công ty đã lựa chọn các giải pháp như: Cải tiến hiệu quả máy móc; cải tiến quy trình sản xuất; đào tạo nâng cao nhận thức của người lao động… Nhờ đó, năng suất tổng thể của DN đã tăng lên 23%.

Bên cạnh đó, công ty cũng phối hợp với đơn vị cung cấp thiết kế phần mềm chuyên dụng nhằm xây dựng quy trình cải tiến năng suất chuyền may. Nhờ đó, sản xuất thực tế đã tăng từ 70% lên 85% so với kế hoạch ban đầu, góp phần tăng năng suất lao động lên 30%.

Theo ông Dũng, trước bối cảnh dịch bệnh, công ty sử dụng tất cả các công cụ cải tiến năng suất trước đó đã áp dụng và khắc phục, cải tiến ở tất cả những bộ phận, công đoạn, khâu sản xuất. Tác động nhiều nhất trong tăng năng suất lao động là sự kết hợp giữa đổi mới công nghệ và hoàn thiện hệ thống quản trị. Đối với doanh nghiệp may sử dụng nhiều lao động, yếu tố con người được xem là quan trọng nhất.

“Để duy trì liên tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn dịch Covid-19, công ty đã chủ động chuyển đổi nhanh hoạt động sản xuất, bảo toàn lực lượng lao động thông qua hoạt động đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động. Đây chính là tiền đề để doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng năng suất sau khi dịch bệnh kết thúc”, ông Dũng cho hay.

VNPI đào tạo trực tuyến về phương pháp cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (VietQ.vn) - Trong tháng 4/2029, Viện Năng suất Việt Nam - VNPI sẽ tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về phương pháp cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang