Cơ hội và thách thức của Việt Nam trước quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu

author 15:06 16/06/2022

(VietQ.vn) - Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu 15% áp dụng năm 2023, do đó Việt Nam cần thay đổi chiến lược và chính sách thu hút vốn FDI.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh chia sẻ, Việt Nam đã và đang là "thiên đường đầu tư", chứ không phải là "thiên đường thuế" trong mắt các nhà đầu tư thế giới. Do đó, Việt Nam nên thay đổi chính sách thu hút đầu tư theo hướng nâng cao môi trường kinh doanh, nguồn lao động.

Quang cảnh Hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" tổ chức ngày 14/6 tại Hà Nội. 

Cơ hội cho Việt Nam khi áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu

Các chuyên gia cho rằng, nhìn nhận về mặt tích cực, việc tham gia Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) với gần 140 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam, sẽ tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho rằng, Việc tham gia Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp FDI, song đồng thời đặt Việt Nam trước những thách thức mới về thu hút các dự án FDI trọng điểm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao thuộc lĩnh vực ưu tiên theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị khi công cụ ưu đãi thuế không còn được áp dụng.

Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề thời sự được các quốc gia và các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới quan tâm.

Thuế tối thiểu toàn cầu để chống lại cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư thông qua giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; các quốc gia được khuyến khích hành động để hưởng lợi từ việc hạn chế cạnh tranh thuế và tránh việc các khoản thu thuế bị thu ở nơi khác, do đó Việt Nam cần chủ động tham gia và cần có giải pháp thích ứng để vừa bảo đảm thực hiện quy định của quốc tế, vừa bảo đảm lợi ích dân tộc.

GS-TSKH. Nguyễn Mại cũng cho rằng, tham gia cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu vừa là cơ hội lớn, vừa phải đối phó với thách thức không nhỏ đối với nước ta. Do đó, ông kiến nghị, Việt Nam cần chủ động tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, tranh thủ cơ hội mới để cùng với đẩy nhanh hơn công cuộc cải cách đang được tiến hành, để tạo nên động lực mới thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn vốn FDI theo định hướng tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.

Đại diện Tổng cục Thuế, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng cho biết, hiện nay Việt Nam đã ký 83 hiệp định thương mại với các nước và tổ chức trên thế giới.

Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện là 20%, cao hơn mức thuế tối thuế tối thiểu toàn cầu được đề xuất (15%). Tuy nhiên, Việt Nam đang dành nhiều mức thuế ưu đãi cho các dự án nước ngoài như: ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 hàng năm; miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa 9 năm)...

So sánh với một số nước trong khu vực, đại diện Tổng cục Thuế chỉ rõ, thuế thực thu của Việt Nam cao hơn Thái Lan (9,5%); Singapoe (7%), Indonesia (11,5%), và chỉ thấp hơn Philippines (21,7%).

Có thể khẳng định rằng, đầu tư vào Việt Nam khác rất nhiều với đầu tư vào các thiên đường thuế, vì trong hơn 386.000 dự án đầu tư vào Việt Nam, các dự án chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, khí đốt và bất động sản.

Trước những vấn đề mà thuế tối thiểu toàn cầu đặt ra, các chuyên gia trong và ngoài nước nhấn mạnh, Việt Nam cần thành lập tổ công tác để phân tích và đánh giá các ảnh hưởng, cũng như đề xuất các giải pháp để cải thiện yếu tố cạnh tranh về đầu tư khác như: môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng hay lực lượng lao động.

Các chuyên gia cũng nhận định, vị thế của Việt Nam sau 30 năm thu hút FDI hiện đã khác, với nhiều lợi thế cạnh tranh thu hút các dòng vốn chất lượng cao chứ không đơn thuần chỉ là ưu đãi thuế.

Thách thức mới cho Việt Nam

Trước những mặt tích cực mà Thuế tối thiểu toàn cầu đem lại cho Việt Nam, song điều này sẽ đặt Việt Nam trước hàng loạt thách thức mới.

Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động trực tiếp tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư của Việt Nam, nhất là đối với các dự án trọng điểm áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, hiện nay các tập đoàn quốc tế vẫn rất hoang mang, luật thuế tối thiểu toàn cầu vẫn chưa rõ hình hài, chỉ mới thống nhất quy tắc và rủi ro rất lớn cho môi trường đầu tư, thiệt hại lớn nhất là những quốc gia nhận được dòng đầu tư lớn như Việt Nam.

Nhìn chung, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có lợi cho các nước xuất khẩu vốn hơn là nước nhập khẩu vốn như Việt Nam. Ảnh hưởng khả năng thu hút FDI của Việt Nam (hiện nay vai trò của FDI với nền kinh tế Việt Nam rất lớn).

Bên cạnh đó, vai trò quyết định của Việt Nam ít. Việt Nam có thể không áp dụng trụ cột 2 nhưng không ngăn cản được các quốc gia khác áp dụng.

Việt Nam liệu có mất lợi thế thu hút đầu tư? Hiện ưu đãi thuế suất, giảm thuế TNDN vẫn có ý nghĩa quan trọng với nhà đầu tư. Tuy nhiên, làm sao các nhà đầu tư đã vào Việt Nam vẫn bảo đảm được quyền lợi? làm sao để các DN vẫn tiếp tục yêm tâm đầu tư tại Việt Nam?

Bà Annett Perschmann-Taubert, Tax Partner PWC, cho biết, các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đều cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư thông qua các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó áp dụng giảm thuế hoặc miễn thuế.

Hiện nay, với việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%, những ưu đãi thuế này có thể không còn mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp đa quốc gia thuộc đối tượng điều chỉnh nữa. Điều này sẽ đặt ra cho Việt Nam một số thách thức mới.

Tại thời điểm này, các quốc gia và Chính phủ trong khu vực và trên toàn cầu thực tế đang phân tích các quy định mới để xác định cách họ có thể thay đổi luật thuế trong nước một mặt nhằm giảm đến mức tối thiểu sự tác động của thuế tối thiểu toàn cầu và đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài.

Chính vì vậy, để Việt Nam giữ được lợi thế cạnh tranh của mình trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời không bị thất thu thuế, Chính phủ cần xem xét thay đổi các quy định về thuế trong nước và thiết kế các chính sách khuyến khích đầu tư mới có cân nhắc đến mức thuế tối thiểu toàn cầu.

Mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu do nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thỏa thuận và thiết lập nhằm giải quyết việc lách thuế của các công ty đa quốc gia và công nghệ trực tuyến.

Theo đó, từ năm 2023, tỷ lệ thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ được áp dụng cho các công ty có thu nhập từ 750 triệu euro (870 triệu USD) trở lên. Ước tính, mức thuế này sẽ giúp các chính phủ bổ sung khoảng 150 tỷ USD/năm vào thu nhập từ thuế.

Đến nay, có gần 140 quốc gia đồng ý mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu trên (chiếm 90% nền kinh tế toàn cầu). 

 Tạ Nhị (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang