Công bố tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên được phát triển hoàn toàn trên nền tảng OSD
Tiêu chuẩn EICC-RBA về trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực điện tử, công nghệ
Tiêu chuẩn ISO 9001 hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ
Tiêu chuẩn ASTM hỗ trợ tích hợp và đánh giá nơi làm việc
Mới đây, Ủy ban Kỹ thuật Điện quốc tế (IEC) đã công bố tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên được phát triển đầy đủ bằng nền tảng Phát triển Tiêu chuẩn Trực tuyến (OSD). Có thể nói, tiêu chuẩn IEC 60512-28-100:2024 là thành tựu mang tính bước ngoặt đối với cộng đồng tiêu chuẩn quốc tế. Nó hứa hẹn sẽ thiết lập quy trình phát triển tiêu chuẩn toàn cầu theo một con đường hợp tác và hiệu quả hơn trong tương lai và chứng minh cam kết của IEC trong việc hiện đại hóa và hợp lý hóa quy trình phát triển tiêu chuẩn cho tất cả mọi người.
Nền tảng OSD sẽ giúp các tiêu chuẩn quốc tế đến dễ dàng hơn với mọi người.
Tiêu chuẩn IEC 60512-28-100:2024, Đầu nối cho thiết bị điện và điện tử - Thử nghiệm và đo lường - Phần 28-100: Thử nghiệm tính toàn vẹn của tín hiệu lên đến 2 000 MHz - Thử nghiệm 28a đến 28g là kết quả của công trình chuyên dụng của Ủy ban Kỹ thuật IEC 48/Tiểu ban 48B (TC 48/SC 48B). Tiêu chuẩn đặt ra các chuẩn mực mới cho thử nghiệm tính xuyên suốt, vẹn toàn của tín hiệu, đảm bảo hiệu suất cao và độ tin cậy trong các đầu nối cho thiết bị điện và điện tử.
Nền tảng OSD - một sáng kiến hợp tác chung của IEC và Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), cung cấp cho các nhà phát triển tiêu chuẩn công cụ kỹ thuật số mới để hợp lý hóa quy trình soạn thảo và biên tập các tiêu chuẩn quốc tế. Nền tảng này nâng cao hiệu quả và sự hợp tác trong suốt quá trình, từ khâu chuẩn bị tiêu chuẩn cho đến khi công bố tiêu chuẩn cuối cùng.
Ông Philippe Metzger, Tổng thư ký IEC phát biểu: "Việc công bố IEC 60512-28-100:2024 trên nền tảng OSD là minh chứng cho sự quyết tâm của IEC đối với đổi mới. Thành tựu này không chỉ làm nổi bật khả năng của nền tảng OSD mà còn tạo tiền đề cho việc phát triển các tiêu chuẩn trong tương lai".
Nền tảng OSD nâng cao độ chính xác và chất lượng của các tiêu chuẩn cũng như đơn giản hóa quy trình phát triển bằng cách tạo điều kiện cho việc quản lý tài liệu hợp lý, các công cụ tích hợp và tìm kiếm trong thời gian ngắn. Các lợi ích khi làm việc trên nền tảng OSD bao gồm: Cho phép tác giả tập trung vào nội dung; Đơn giản hóa quá trình biên soạn; Thúc đẩy sự hợp tác và xây dựng sự đồng thuận; Tích hợp đầy đủ vào hệ sinh thái IEC; Có quy trình phát triển tiêu chuẩn đầy đủ trong một công cụ trực tuyến duy nhất; Bình luận và giải quyết bình luận dễ dàng hơn.
Nền tảng OSD hiện là vấn đề được chú trọng nhất trong Uỷ ban IEC và sẽ hình thành cơ sở cho việc phát triển các tiêu chuẩn mới nhằm giải quyết thách thức trên toàn bộ phổ kỹ thuật điện. Việc sử dụng OSD giúp đảm bảo các tiêu chuẩn mà thế giới cần để sử dụng công nghệ điện, điện tử một cách an toàn và bền vững có thể được phát triển theo cách tích hợp chuyên môn kỹ thuật toàn cầu một cách kịp thời và hiệu quả.
Bảo Linh