Công nghệ sẽ là 'chìa khóa' nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo Việt Nam

author 06:52 20/09/2019

(VietQ.vn) - Chuyên gia cho rằng, việc tích cực ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo Việt Nam

Lúa gạo Việt Nam giữ vững vị thế trên thị trường thế giới

Lúa gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với lượng gạo xuất khẩu dao động từ 4,9 - 7,7 triệu tấn/năm, giá trị xuất khẩu luôn đạt trên 2 tỷ USD/năm và đạt mức kỷ lục 3,08 tỷ USD trong năm 2018. Đây cũng là sản phẩm xuất khẩu nòng cốt giữ vững thương hiệu quốc gia nông nghiệp trên thế giới.

Cũng chính vì vậy mà thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực, trong đó có sản phẩm gạo.

Những thành quả liên tiếp đạt được về kim ngạch xuất khẩu gạo trong những năm gần đây tới các thị trường truyền thống, cũng như năng lực mở rộng tiếp cận tới các thị trường mới, có tính khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã tiếp tục khẳng định khả năng tăng trưởng và phát triển của hạt gạo Việt.

Lúa gạo vẫn đang là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: báo Dân sinh 

Nói về điều này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2018 xuất khẩu gạo đạt 6,11 triệu tấn, tăng 5,21%, trị giá xuất khẩu 3,06 tỷ USD, tăng 16,3%. Trong 8 tháng năm 2019, lượng xuất khẩu gạo đạt 4,53 triệu tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2018, trị giá xuất khẩu đạt 1,96 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới, gạo Việt Nam có mặt tại khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mặc dù vẫn giữ vững vị thế trong cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam nhưng theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản suất, chế biến và bảo quản lúa gạo vẫn còn rất hạn chế đối với các doanh nghiệp sản xuất gạo trong nước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và giá thành của gạo Việt Nam so với giống gạo cùng loại của các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan và Ấn Độ.

Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nói thêm, hiện tại có 177 thương nhân Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo. Trong thời gian tới ông Hải nhận định, các doanh nghiệp cần sản xuất gạo theo quy trình sạch, gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Bên cạnh đó cần xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng, tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, xây dựng uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

“Để tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam, các DN cũng như ban ngành liên quan cần quy hoạch lại vùng sản xuất, kỹ thuật canh tác bền vững phù hợp cho từng vùng sản xuất, cải tiến công nghệ sau thu hoạch và chế biến. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực tổ hợp tác, hợp tác xã và DN, xây dựng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn” - ông Hải nhấn mạnh.

Công nghệ là giải pháp tối ưu

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến hiện đang là khâu xung yếu nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Vấn đề này cũng đã được xác định là cơ hội và tiềm năng phát triển mạnh cho những sáng kiến mang tính đột phá của ngành lúa gạo, của các DN là chủ thể của chuỗi sản xuất lúa gạo Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách cũng như mục tiêu lâu dài về nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh của gạo Việt.

Ông Nguyễn Hồng Sơn nêu thêm thực trạng, 5 năm qua, diện tích lúa của Việt Nam có xu hướng giảm nhẹ (7,9 triệu ha năm 2013 xuống 7,5 triệu ha năm 2018), nhưng năng suất tăng (53,4 tạ/ha năm 2010 lên 58,1 tạ/ha năm 2018), sản lượng lúa tăng từ 40 triệu tấn năm 2010 lên 43,9 triệu tấn năm 2018.

Về công nghệ sản xuất và sử dụng phân bón, theo ông Sơn, phân bón là vật tư đầu vào quan trọng nhất và chiếm tới 37% tổng chi phí sản xuất. Nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng 11 triệu tấn các loại, trong đó tự sản xuất trong nước 8-9 triệu tấn, nhập khẩu 2-2,5 triệu tấn.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. 

Hàng năm, nông dân Việt Nam chi khoảng 110 nghìn tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD) cho phân bón, trong đó khoảng 65% tổng lượng phân hóa học đa lượng (N,P,K) được sử dụng trong sản xuất lúa. Tuy nhiên, hiệu suất sử dụng phân bón cho cây trồng đang rất thấp, nhất là với cây lúa. Lượng phân bón sử dụng trung bình mỗi năm là 1.000kg/ha nhưng với hiệu quả sử dụng chỉ đạt 45-50% (trung bình, cây trồng chỉ hấp thu khoảng 50% lượng đạm, 40% lân và 60% kali so với lượng phân được bón). Sự mất cân đối trong sử dụng phân hữu cơ và vô cơ dẫn tới những hệ lụy xấu về môi trường, giảm độ phì của đất (đất bị thoái hóa) và giảm chất lượng nông sản…

Vì lẽ này mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã và đang có nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về nội dung này và tin tưởng với tính hấp dẫn về đầu tư ngành nông nghiệp, cùng với những cơ hội ngày một mở rộng hơn từ các FTA thế hệ mới vừa ký kết gần đây, các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực công nghệ chế biến và bảo quản lúa gạo sẽ quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam, hợp tác với doanh nghiệp sản xuất trong nước để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tăng hiệu quả và chất lượng của gạo Việt.

Liên quan tới vấn đề này, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group cho hay, để ngành gạo Việt Nam phát triển ổn định, chúng ta phải chọn những sản phẩm nào có giá trị cao, được nhiều thị trường chấp nhận để phát triển, chẳng hạn như gạo Jasmine được rất nhiều nước trên thế giới chấp nhận và sử dụng. Mặt khác, các doanh nghiệp cần phải đổi mới, cải tiến thiết bị kỹ thuật là hết sức cần thiết, nếu không chúng ta sẽ mất dần thị trường. Các doanh nghiệp dù muốn hay không cũng phải xây dựng cơ chế quản lý về các chất hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề hóa chất, bảo quản sau thu hoạch... để vượt qua được các rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe của các nước phát triển...

Bảo Lâm

Giá lúa gạo tại ĐBSCL xuống thấp: Ngân hàng Nhà nước vào cuộc(VietQ.vn) - Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang