Công nghệ số - "Vũ khí" đảm bảo an ninh mạng trong thời đại mới

author 05:27 29/12/2024

(VietQ.vn) - Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an nhấn mạnh vai trò then chốt của việc làm chủ công nghệ trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và đấu tranh với tội phạm mạng.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Nghiệp vụ "xương sống" trong bảo vệ an ninh mạng

Năm 2024 đánh dấu một bước tiến vượt bậc của Cục An ninh mạng khi hoàn thành xuất sắc 51/51 chỉ tiêu do Bộ Công an giao. Đặc biệt, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật được thực hiện một cách bài bản và toàn diện. Trong năm, Cục đã phối hợp xây dựng, sửa đổi 3 luật, 4 nghị định, 2 chỉ thị, và 5 chiến lược, đề án quan trọng, tạo nền móng pháp lý vững chắc cho lĩnh vực an ninh mạng.

Đáng chú ý, việc tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia cùng Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã củng cố sự phối hợp liên ngành, mở ra cơ hội mới trong việc quản lý và bảo vệ không gian mạng.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, công tác nghiệp vụ cơ bản chính là "xương sống", là nền tảng cho mọi hoạt động nghiệp vụ. Trong năm qua, Cục đã chủ trì xác lập và đấu tranh 21 chuyên án lớn, khởi tố 19 đối tượng vi phạm an ninh quốc gia và 187 đối tượng sử dụng công nghệ cao để phạm tội.

Công tác đảm bảo an ninh và an toàn cho hệ thống mạng thông tin quốc gia cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tất cả các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đều có sự tham gia của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng và các hành vi tiêu cực.

Ngoài ra, Cục đã phối hợp hiệu quả với Cục Cảnh sát kinh tế, hình thành mô hình "kiểu mẫu" trong phối hợp giữa các đơn vị trinh sát kỹ thuật và điều tra, tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Không chỉ tập trung vào nghiệp vụ truyền thống, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chủ động nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ hiện đại như Big Data, mã hóa lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), và điện toán đám mây (Cloud Computing). Nổi bật, Cục đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu lớn trên không gian mạng, hỗ trợ hiệu quả cho công tác nghiệp vụ.

Đặc biệt, hệ thống liên lạc bảo mật Signet mở rộng được phát triển và triển khai trong toàn lực lượng Công an. Đây là hệ thống tích hợp nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin ở mức cao nhất.

Bên cạnh đó, Cục cũng đã nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghiệp an ninh mạng, như máy bay không người lái (UAV) và camera thông minh phục vụ lực lượng Cảnh sát giao thông. Các thiết bị này không chỉ nâng cao hiệu quả công tác mà còn khẳng định năng lực làm chủ công nghệ của lực lượng Công an nhân dân.

Mục tiêu dài hạn và kỳ vọng tương lai

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành, cán bộ, công chức và Nhân dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ và sâu sắc; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức.

Đất nước ta đang đứng trước yêu cầu cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang