Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol: Dấu hiệu ‘lách luật’ trong hoạt động cấp chứng nhận

author 07:08 19/03/2023

(VietQ.vn) - Không chỉ quảng cáo, nhận thực hiện dịch vụ ngoài danh mục được cấp phép, Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol còn có dấu hiệu 'lách luật' trong hoạt động cấp chứng nhận.

Opacontrol có đang 'lách luật'?

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục TCĐLCL), cách đây 20 năm Việt Nam có rất ít tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận và đa phần là tổ chức nước ngoài thì hiện nay, mạng lưới các tổ chức đảm trách công việc này đã lên đến hơn 100 giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và chứng minh chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình. Từ thực tế đó, Việt Nam đã tạo được cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động của các tổ chức chứng nhận tại Việt Nam và phục vụ quản lý nhà nước đối với sản phẩm hàng hóa nhóm hai (sản phẩm, hàng hóa được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật).

Cụ thể, cơ sở này bao gồm Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cùng một loạt văn bản quan trọng như Nghị định 107/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; Nghị định 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành, và các Thông tư 28/2012/TT- BKHCN, Thông tư 02/2017/TT- BKHCN, Thông tư 06/2020/TT- BKHKCN quy định về phương thức chứng nhận, dấu hợp chuẩn, hợp quy,..

Không chỉ có cơ sở pháp lý, hiện nay Việt Nam đã bước đầu chuẩn hóa được năng lực và tạo cơ chế bình đẳng cho hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp, đồng thời xã hội hóa được hoạt động đánh giá sự phù hợp theo chủ trương của chính phủ, từ đó giúp các doanh nghiệp kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, nhập khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thuận lợi, hoạt động chứng nhận tại Việt Nam đã bộc lộ không ít bất cập trong thời gian gần đây. Một trong những vấn đề đáng chú ý là “các tổ chức chứng nhận hiện nay có tình trạng không đánh giá đầy đủ theo yêu cầu của tiêu chuẩn nhưng vẫn cấp chứng chỉ, đặc biệt là các chứng chỉ liên quan đến chứng nhận sản phẩm, đồng thời không thực hiện giám sát 12 tháng/lần theo quy định. Bên cạnh đó, có hiện tượng cử chuyên gia đánh giá không có năng lực (chưa được đào tạo chuyên gia đánh giá, không có code phù hợp cho lĩnh vực) đi đánh giá, cử chuyên gia chưa được phê duyệt hoặc không phải chuyên gia trong hồ sơ nộp đăng ký tại Tổng cục.

Một vấn đề đáng bàn khác liên quan đến chứng nhận sản phẩm là tình trạng lấy mẫu không đủ để thử nghiệm; thử nghiệm không hết các chỉ tiêu theo quy định của tiêu chuẩn nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn; thử nghiệm tại các tổ chức thử nghiệm chưa đăng ký theo quy định của pháp luật.

Thêm vào đó, hiện nay có rất nhiều tổ chức chứng nhận "lách luật", cấp giấy xác nhận phù hợp theo tiêu chuẩn cơ sở, trong khi theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật thì phải sử dụng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài để đánh giá hợp chuẩn chứ không phải dùng tiêu chuẩn cơ sở.

 Website Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol đăng bài viết giới thiệu dịch vụ cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở/giấy xác nhận phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở tại Opacontrol.

Có thể lấy dẫn chứng về trường hợp Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol. Trên website của công ty này đăng tải công khai dịch vụ cấp giấy xác nhận phù hợp tiêu chuẩn cơ sở/giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở/xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn cơ sở.

Website của Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol cũng đăng tải giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở đã cấp cho Chi nhánh số 1 Công ty Cổ phần Công nghệ Nano BSB (địa chỉ tại Nhà Orchid, Lô I-15, Đường Đ12. Khu Công nghệ cao, Phường Tăng Nhơn Phú B, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh). Giấy chứng nhận ghi rõ cấp vào ngày 16/4/2021 và hết hiệu lực vào ngày 15/4/2024. Người ký giấy chứng nhận là ông Lê Đình Mạnh, chức vụ Giám đốc. 

Không dừng lại ở đó, nhằm thu hút khách hàng, công ty còn đăng tải bài viết với nội dung giới thiệu về dịch vụ xác nhận phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở, lợi ích của việc xác nhận phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở. Đồng thời, quảng cáo về việc thực hiện dịch vụ xác nhận phù hợp tiêu chuẩn cơ sở tại Opacontrol.

Được biết, tiêu chuẩn cơ sở là tiêu chuẩn về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường... giúp cho doanh nghiệp có căn cứ pháp lý để thực hiện sản xuất kinh doanh. Tiêu chuẩn cơ sở do doanh nghiệp tự xây dựng, công bố, chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước và người tiêu dùng.

Hiện nay, tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật chỉ đề cập tới đối tượng chứng nhận hợp chuẩn là tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài. Do đó, tiêu chuẩn cơ sở không phải là đối tượng của đánh giá sự phù hợp (đánh giá chứng nhận). Vậy Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol có đang 'lách luật' khi thực hiện dịch vụ này?

Tiêu chuẩn cơ sở do doanh nghiệp tự xây dựng và công bố, vậy giấy xác nhận phù hợp tiêu chuẩn cơ sở do Opacontrol cấp cho doanh nghiệp có ý nghĩa gì? Việc tự doanh nghiệp xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở sau đó lại được cấp giấy xác nhận phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở do chính mình xây dựng liệu có phải thiếu khách quan? Opacontrol liệu có đang đánh vào sự thiếu hiểu biết của khách hàng để trục lợi?

 Một giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cơ sở được Opacontrol cấp cho Chi nhánh số 1 Công ty Cổ phần Công nghệ Nano BSB.

Nhận dịch vụ chứng nhận ngoài phạm vi cấp phép

Trước đó, như toà soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã thông tin, toà soạn nhận được phản ánh về trường hợp Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol quảng cáo dịch vụ sai sự thật, có dấu hiệu thực hiện dịch vụ chứng nhận ngoài phạm vi được cấp phép.

Được biết, Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số nhà 40, Ngõ 282 đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Hiện công ty có văn phòng tại Hà Nội (địa chỉ tại 25 Trương Định, Hai Bà Trưng); chi nhánh TP.HCM (đường 109, Phước Long B, TP.Thủ Đức); chi nhánh Đà Nẵng (số 3 Phạm Hùng, Hòa Châu, Hòa Vang); chi nhánh miền Tây Nam Bộ (309 ấp Tân Thuận, xã Bình Trực, huyện Châu Thành, Tiền Giang). Doanh nghiệp này hoạt động từ năm 2014, người đại diện pháp luật là Nguyễn Thanh Tú.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận, Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol đã đăng ký hoạt động chứng nhận đối với tổng hợp đa ngành trong lĩnh vực chứng nhận hệ thống quản lý theo TCVN 9001/ISO 9001. Điều này có nghĩa là đối với hoạt động chứng nhận theo hệ thống quản lý, Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol chỉ được phép cấp chứng nhận ISO 9001.

Tuy nhiên, thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội đặc biệt là website chính thức của Công ty lại quảng cáo sai sự thật về việc công ty này có khả năng chứng nhận nhiều loại ISO khác không có trong danh mục được cấp phép như ISO 14001, ISO 45001.

 Dù chỉ được phép cấp chứng nhận ISO 9001 nhưng website của Opacontrol quảng cáo cả dịch vụ cấp chứng nhận ISO 14001, ISO 45001.

Với mong muốn có thêm thông tin khách quan, trong vai khách hàng, phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã liên hệ tới số hotline của Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol. Ở đầu dây bên kia, một phụ nữ bắt máy và tự xưng là nhân viên trực đường dây nóng của công ty này.

Sau khi nghe phóng viên (trong vai khách hàng) trình bày nguyện vọng muốn làm chứng nhận ISO 9001 và ISO 45001, nhân viên trực tổng đài nói rằng, Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol làm được chứng nhận này. Đồng thời, người này nói sẽ có một nhân viên khác liên hệ trực tiếp để tư vấn kỹ hơn.

Liên hệ với nhân viên khác tên Nguyễn V., nhân viên này khẳng định, Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol làm được chứng nhận ISO 14001 và ISO 45001. Nhân viên này báo giá cho phóng viên nếu làm cả hai loại ISO thì chi phí sẽ là 40 triệu năm đầu tiên, những năm sau chi phí duy trì là 7 triệu/năm.

Phóng viên sau đó cũng liên hệ với Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol để thông tin về những nội dung nêu trên, tuy nhiên, đến nay phía công ty này vẫn chưa có phản hồi cụ thể.

Có thể thấy, dù chỉ được cấp phép thực hiện dịch vụ chứng nhận ISO 9001 nhưng không biết vì lý do gì mà Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol lại quảng cáo và nhận thực hiện cả dịch vụ chứng nhận ISO 14001, ISO 45001? Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol có đang cố tình vi phạm pháp luật khi thực hiện dịch vụ ngoài phạm vi đã được cấp phép? Đây phải chăng là chiêu trò để Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol lừa dối khách hàng? Công ty TNHH Chứng nhận và Kiểm định Chất lượng Opacontrol đã cấp chứng nhận ISO 14001 và ISO 45001 cho những doanh nghiệp nào?

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang