'Cú hích' gần 1.200 tỷ nhằm mục tiêu nâng cao sản xuất và giá trị hạt muối

author 14:29 15/11/2021

(VietQ.vn) - Dù có nhiều tiềm năng nhưng hàng năm Việt Nam vẫn nhập khoảng 600.000 tấn muối, nguyên nhân vì giá trị hạt muối thấp, không nhiều cá nhân và doanh nghiệp mặn mà phát triển nghề.

Hạt muối Việt Nam có giá trị thấp

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, nhu cầu sử dụng muối của nước ta mỗi năm khoảng từ 1,5-1,6 triệu tấn. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu này là khoảng 2 triệu tấn/năm. Sản lượng muối bình quân trong những năm gần đây của Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 1 triệu tấn/năm nên mỗi năm nước ta phải nhập khẩu khoảng 600.000 tấn muối để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Nhiều năm gần đây, cơ sở hạ tầng đồng muối không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên xuống cấp trầm trọng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng muối sản xuất, khiến giá bán thấp không cạnh tranh được với muối nhập khẩu.

Mặt khác, sản xuất, kinh doanh muối ở nước ta cơ bản là sản xuất muối thô, nguyên liệu; sản phẩm chưa đa dạng, giá trị gia tăng thấp. Thực tế, hàng chục nghìn diêm dân đã bỏ ruộng muối, bỏ nghề chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn nên nhiều đồng muối nguy cơ bỏ hoang.

 Đời sống diêm dân còn nhiều khó khăn nên nghề muối chưa phát triển.
 

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhiều doanh nghiệp sản xuất muối của Việt Nam đã có sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ... Nhờ từng bước đa dạng hoá sản phẩm, giá trị ngành muối dần được nâng lên. Nhiều mô hình không chỉ sản xuất muối ăn, muối thực phẩm mà còn phục vụ làm đẹp, du lịch.

Tuy vậy, sản lượng muối giá trị cao này rất thấp. Phần lớn muối sản xuất ra tại Việt Nam là muối thô, giá trị chỉ đạt từ 5.000-7.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, bất cập này có thể được giải quyết khi khi Đề án Nâng cao giá trị sản xuất, chế biến muối giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện trên địa bàn 35 xã, 12 huyện của 7 tỉnh (Nam Định, Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu) với quy mô vùng sản xuất trực tiếp gần 2.900ha; diện tích vùng sản xuất hưởng lợi gần 3.300ha. Ước tính sẽ có 18 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; 16 hợp tác xã diêm nghiệp, 2 tổ hợp tác; 4.667 hộ dân với khoảng 11.500 lao động sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi triển khai đề án.

Đề án sẽ tập trung vào đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối; đầu tư hệ thống thuỷ lợi; xây dựng mô hình khuyến diêm; củng cố, phát triển sản xuất, chế biến đa dạng hoá sản phẩm gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị sản xuất muối; xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nghề muối truyền thống, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc.

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề xuất, tổng kinh phí triển khai Đề án gần 1.200 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 536 tỷ đồng (gồm vốn đầu tư công trung hạn do Bộ NN&PTNT quản lý giai đoạn 2021 - 2025 và vốn ngân sách trung ương thông qua thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông...); vốn ngân sách địa phương gần 284 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia và vốn vay tín dụng.

Gia tăng giá trị, làm giàu từ nghề muối

Ông Nguyễn Tất Đại, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, yếu tố then chốt quyết định thành công của Đề án chính là dự án 3: Củng cố, phát triển sản xuất, chế biến, đa dạng hoá sản phẩm gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm muối.

Đồng thời, ông Đại cũng khuyến cáo nếu các địa phương không quyết liệt, không có kế hoạch cụ thể và chủ động nguồn lực từ ngân sách địa phương, nguồn lực doanh nghiệp và hộ dân thì có thể đầu tư hạ tầng, tiến độ triển khai dự án không đáp ứng được kế hoạch ban đầu.

 Gần 1.200 tỷ sẽ là cú hích giúp nâng cao sản xuất và giá trị hạt muối

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, đây là đề án mang tính chất an sinh xã hội. Những đối tượng hưởng lợi đa số là người nghèo và so với các hàng hoá khác, sản phẩm muối có giá trị thấp nhất và nghiệt ngã nhất. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng Đề án nhằm vực dậy nghề làm muối, không để mất nghề muối và nâng cao giá trị sản phẩm muối. 

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, triển khai đề án cần đồng bộ từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với mô hình sản xuất có hiệu quả; sản xuất theo chuỗi liên kết để hạt muối ra thị trường có giá trị. Đề án sẽ là cơ sở động lực để mở rộng ra các vùng sản xuất muối khác, làm sao để tất cả diêm dân trên cả nước gắn với nghề muối có thu nhập cao, đảm bảo cuộc sống. 

Đồng thời, cần nghiên cứu gia tăng giá trị của ngành muối, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu để người dân có thể làm giàu từ ngành muối. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tổ chức diễn đàn để xúc tiến đầu tư thương mại ngành muối.

Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang