Củng cố niềm tin doanh nghiệp, tích cực phục hồi sản xuất kinh doanh

author 17:01 04/10/2021

(VietQ.vn) - Những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch cuối tháng 9 vừa qua cùng với động thái mở cửa lại nền kinh tế một cách thận trọng ở nhiều địa phương đang củng cố niềm tin mạnh mẽ để doanh nghiệp tích cực phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với sự chuyển hướng kịp thời về chiến lược phòng, chống dịch từ mục tiêu “không có Covid-19” sang thích ứng an toàn với Covid-19, dịch bệnh dần được kiểm soát tại các tỉnh phía Nam từ cuối tháng 9. Bước ngoặt này giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển trở lại theo lộ trình mở cửa nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới để phục hồi kinh tế, bắt kịp với xu thế chung của thế giới.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang từng bước ổn định và phát triển trở lại. Ảnh minh họa.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, 3 tháng cuối năm là thời gian vàng của triển vọng phục hồi, khi chúng ta kiểm soát dịch khá tốt, tạo điều kiện thuận lợi để mở cửa nền kinh tế. Công cuộc phục hồi kinh tế cần xuất phát từ quan điểm “mỗi phường xã là một tế bào” trong một cơ thể sống là cả nền kinh tế quốc dân.

Nếu “ngăn sống cấm chợ” chia cắt theo địa giới, nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, do đó, cả nước phải chung tay từng bước mở cửa. Và trong quá trình này, doanh nghiệp phải được coi là chủ thể tham gia vào công tác ứng phó đại dịch, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho doanh nghiệp thay vì chỉ coi doanh nghiệp là đối tượng chịu sự quản lý như trước đây.

Bên cạnh đó, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cũng chia sẻ, những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch cuối tháng 9 vừa qua cùng với động thái mở cửa lại nền kinh tế một cách thận trọng ở nhiều địa phương đang củng cố niềm tin mạnh mẽ để doanh nghiệp tích cực phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhìn rộng hơn, nền kinh tế vẫn chứa đựng nhiều cơ sở cho sự phục hồi mạnh mẽ. Đó là khu vực doanh nghiệp FDI vẫn giữ được sức tăng trưởng tốt trong bối cảnh dịch Covid-19.

Hoạt động đầu tư công được chú trọng khi Thủ tướng Chính phủ lập tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung tháo gỡ những nút thắt trong quy trình đầu tư để dòng vốn mồi từ ngân sách như mạch máu lan tỏa, thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng.

Cùng với đó, các giải pháp hỗ trợ thông qua chính sách tài chính, tiền tệ tiếp tục được Chính phủ nghiên cứu, bổ sung để tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này…

Trong tháng 10/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ đề án phục hồi kinh tế dựa vào ba động lực: Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đầu tư. Đây là chương trình tổng thể, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, tránh những cú sốc trong tương lai. Việc phòng, chống, kiểm soát tốt dịch Covid-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Lạc quan vào triển vọng phục hồi kinh tế ngay từ quý cuối năm, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiến nghị Chính phủ những giải pháp rất cụ thể về nguồn lực và thực thi chính sách để tạo sức bật cho nền kinh tế. Đó là, chấp nhận tăng nợ công và thâm hụt ngân sách ở mức độ hợp lý; tăng tín dụng trong tầm kiểm soát, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2023. 

Cân nhắc phương án phát hành trái phiếu Chính phủ, vay tín dụng quốc tế vì dư địa nợ công vẫn còn và lãi vay đang ở mức thấp như xu hướng của các nước đang phát triển đang thực hiện. Đặc biệt, cần hết sức chú trọng và quyết liệt cải tiến tính hiệu quả, kịp thời của khâu thực thi các chính sách đề ra...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang