Cách rút chân hương đúng chuẩn ngày cúng ông Công, ông Táo

authorThanh Bình 11:21 01/02/2016

(VietQ.vn) - Dưới đây là cách lau dọn và tỉa chân hương trước lễ cúng ông Công, ông Táo đúng chuẩn mà gia đình nào cũng nên biết.

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Theo quan niệm của dân gian, các gia đình thường dọn dẹp, lau chùi ban thờ thổ công, gia tiên trước lễ cúng ông Công, ông Táo để mời các cụ về ăn Tết. Công việc dọn dẹp bàn thờ, lau bát hương, tỉa chân hương đặc biệt quan trọng, cần phải được làm một cách thành kính, cẩn trọng, tránh phạm các bậc linh thiêng. 

Các gia đình thường dọn dẹp, lau chùi ban thờ thổ công, gia tiên trước lễ cúng ông Công, ông Táo Các gia đình thường dọn dẹp, lau chùi ban thờ thổ công, gia tiên trước lễ cúng ông Công, ông Táo 

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, nhà nghiên cứu Phật học (Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người), trong quan niệm dân gian, trước lễ hàng năm là dịp gia chủ sẽ bao sái ban thờ, tỉa chân hương để sửa soạn đón năm mới. Có nhiều tập tục để bao sái ban thờ cuối năm, nhưng ngày nay do cuộc sống bận rộn nên nhiều tập tục không còn phù hợp. Về cơ bản bao sái ban thờ, tỉa chân hương cần làm những việc như sau:

Chọn người

Ai cũng có thể bao sái ban thờ. Nhưng nếu trong nhà chọn được người chỉnh chu, có tâm trong công việc thờ cúng thì rất tốt, bởi ban thờ tổ tiên là nơi linh thiêng, việc bao sái ban thờ, tỉa chân hương cần làm tỉ mỉ, sạch sẽ và thành kính.

Trước khi bao sái, người được chọn nên tắm rửa sạch sẽ rồi hãy bắt đầu công việc. Cần giã vài củ gừng, ngâm với rượu trắng trước (nên ngâm nhiều một chút để bao sái đồ thờ cúng, thừa thì dùng chữa cảm lạnh nên không sợ lãng phí).

Xin phép

Trước khi bao sái ban thờ sắm đĩa hoa quả tươi đặt lên thắp hương, xin phép quan thần linh và gia tiên biết việc thời gian bao sái ban thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh để con cháu thực hiện công việc (nhiều gia chủ tiến hành việc này từ hôm trước).

Chuẩn bị một chiếc bàn bên trên trải vải đỏ, hoặc giấy đỏ để đặt bài vị. Nếu bàn thờ có đặt chung bài vị gia tiên với các thần thì phải để ra hai chỗ khác nhau để tránh bị lẫn lộn. Đợi hương tàn hãy bắt đầu công việc.

Lau rửa bài vị của tổ tiên thì phải dùng rượu - gừng, hoặc nước ấm, không được dùng nước lạnh. Nếu có bài vị của phật, thánh thì lau trước, sau đó đổ nước cũ, thay nước mới để lau bài vị của tổ tiên. Lau sạch ban thờ bằng nước sạch, rồi lau lại bằng rượu gừng, nước thơm. Bao sái ban thờ nên làm vào cuối tháng, trước khi làm lễ cúng Táo quân chầu trời.

Việc lau dọn, tỉa chân hương là việc quan trọng trong những ngày Tết đến, xuân về Việc lau dọn, tỉa chân hương là việc quan trọng trong những ngày Tết đến, xuân về 

Sử dụng bát hương

Gia chủ phải đặt bát hương nơi bàn thờ sạch sẽ, không nên để uế tạp. Mỗi khi sắp xếp lại ban thờ (thường vào 23 và 30 tháng Chạp) phải khấn vái, xin phép và chỉ được di chuyển bình hoa, chén nước, đỉnh đồng, đèn,… còn bát nhang, bài vị đã định vị thì không được xê dịch. Khi lau dọn bát nhang, bài vị, ban thờ… phải lấy tay giữ không cho xoay rồi lấy khăn sạch, ẩm, phun rượu cho pha gừng giã nhỏ, nước hoa lau cho sạch. Quan điểm không để động bát hương chỉ phù hợp với từng nơi, có nhiều nơi vẫn bê bát hương xuống lau chùi bình thường.

Bao sái bát hương

Có 2 thời điểm bao sái: Một là làm trước lễ cúng Táo quân chầu trời; hai là nhân tiện Táo quân vắng nhà thì tranh thủ bao sái bàn thờ để đón năm mới và đón Táo quân trở về (thường vào 23 và 30 tháng Chạp). 

Trước khi dọn ban thờ và đồ thờ cúng, gia chủ cần phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng và chuẩn bị hoa quả đặt lên, sau đó thắp hương để thông báo cho tổ tiên và thần linh biết rằng gia chủ chuẩn bị dọn dẹp ban thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh đi nơi khác một thời gian để con cháu lau dọn. 

Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng, và rất hạn chế sự chung đụng. Nước lau bàn thờ trước tiên là nước sạch. Sau đó dùng rượu trắng với gừng (hoặc nước vang – nước ngũ vị hương) để lau sạch bàn thờ.

Về nguyên tắc chỉ nên di chuyển bình hoa, chén nước, đỉnh đồng, đèn,... còn bát nhang, bài vị đã định vị thì không nên xê dịch. Khi lau bát nhang, bài vị phải lấy tay giữ không cho xoay rồi lấy khăn sạch, ẩm, phun rượu pha gừng giã nhỏ, nước hoa, ngũ vị hương... lau cho sạch.

Sau khi dọn bát hương có thể tỉa bớt chân hương nhưng phải để lại ít nhất 3 – 5 – 7 – 9 cây. Chân hương đã tỉa ra, cần đốt và thả tro xuống sông, suối hoặc bón cây, không nên đổ lung tung.  Một điều vô cùng quan trọng là cần làm việc này một cách thành tâm, nghiêm túc để thể hiện lòng thành kính với người trên.

Thông thường có 2 thời điểm bao sái bát hương Thông thường có 2 thời điểm bao sái bát hương 

Văn khấn trước khi lau dọn bàn thờ ngày 23 Tháng Chạp

Trước khi tiến hành vệ sinh ban thờ gia chủ thắp hương và khấn xin phép như sau:

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Con xin tấu lạy 9 phương Trời, 10 phương chư Phật, chư Phật 10 phương

Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ long mạch thổ thần đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ con là:………………Ngụ tại:………………….

Con xin tấu lạy vong linh các cụ gia tiên cửu huyền thất tổ, bà tổ cô và các bà cô các đời, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đó dòng họ X. (họ nhà bạn là gì thì thêm vào) tại…… (nhà ở đâu, quê ở đâu thì thêm vào)

Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp (hoặc 30 tháng Chạp), con xin phép được bao xái lại bàn thờ gia tiên để cho sạch sẽ để tiễn năm cũ, đón năm mới tới, mong chư vị Phật Thánh, các cụ gia tiên tiền tổ, bà tổ cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ của họ X, chấp thuận.

Nam mô a di đà phật

Nam mô a di đà phật

Nam mô a di đà phật

Sau hơn nửa tuần nhang thì có thể tiến hành vệ sinh bát nhang và ban thờ.

Thanh Bình (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang