Cuộc chiến chống tin nhắn và cuộc gọi rác không chỉ từ thuê bao không chính chủ

author 16:10 02/10/2023

(VietQ.vn) - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngay cả khi đã chặn hết SIM rác thì những cuộc gọi quấy nhiễu, cuộc gọi không mong muốn vẫn xuất hiện.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Rất khó ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác

Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận tình trạng tin nhắn và cuộc gọi rác vẫn đang là một vấn đề nghiêm trọng, đe dọa trải nghiệm của người dùng di động tại Việt Nam. Mặc dù đã tiến hành loại bỏ hơn 12 triệu thuê bao không chính chủ, nhưng cuộc gọi không mong muốn vẫn kéo đến từ cả thuê bao chính chủ và không chính chủ.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng các biện pháp đang được thực hiện để kiểm soát tình trạng này, nhưng nói rõ rằng SIM rác không phải lúc nào cũng là nguyên nhân gốc của cuộc gọi rác. Thậm chí, SIM chính chủ cũng có thể tạo ra cuộc gọi không mong muốn, ví dụ như trong trường hợp của các công ty telesale.

 

 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại buổi họp báo

"SIM rác có thể tạo ra cuộc gọi rác. Tuy nhiên, cũng có người mua SIM rác để dùng liên lạc. Bên cạnh đó, cũng có những cuộc gọi rác được thực hiện từ SIM chính chủ" - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định.

Lấy ví dụ về nghề telesale - tiếp thị từ xa qua điện thoại, ông Phạm Đức Long cho rằng, có những công ty vẫn đánh giá đây là cách làm hiệu quả. Do đó, nhiều công ty đã để nhân viên tự tiếp thị bằng số điện thoại cá nhân thay vì số điện thoại công ty. Khi đó, người môi giới dùng số điện thoại đã đăng ký chính chủ đầy đủ để thực hiện cuộc gọi nhưng vẫn bị coi là cuộc gọi rác.

Theo đại diện Cục Viễn thông, đây cũng là hiện tượng phổ biến trên thế giới. Trong quý II/2023, hệ thống của Hiya trên toàn cầu đã ghi nhận 6,5 tỷ cuộc gọi bị phản ánh là cuộc gọi không mong muốn, tương ứng trung bình 70 triệu cuộc/ngày.

Tại Việt Nam, cuộc gọi không mong muốn có thể chia thành các loại như: cuộc gọi làm phiền, cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi lừa đảo và cuộc gọi có mục đích khác. Những cuộc gọi như vậy thường được người dùng gọi chung là cuộc gọi rác.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xem xét áp dụng hình thức gọi điện định danh (Voice Brandname) để phân biệt cuộc gọi quảng cáo làm phiền và cuộc gọi lừa đảo. Kêu gọi các tổ chức và cá nhân phải cùng nhau chống lại tình trạng này bằng cách chủ động phổ biến thông tin về số điện thoại chính thống và cài đặt các dịch vụ chặn lọc cuộc gọi không mong muốn.

Cảnh giác với những tin nhắn, cuộc gọi rác

Sim rác thường gửi tin nhắn hoặc cuộc gọi không mong muốn, làm phiền và gây rối trong cuộc sống hàng ngày của người dùng. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu suất làm việc của người dùng. Những cuộc gọi và tin nhắn sim rác tiêu tốn tài nguyên quý báu, như thời gian, pin điện thoại và dữ liệu di động của người dùng. Đồng thơi mang tới những nguy cơ tiềm ẩn

Nguy cơ bị lừa đảo: Một số sim rác có thể cố gắng lừa đảo người dùng bằng cách thông báo rằng họ đã trúng thưởng hoặc cần trả phí cho dịch vụ không tồn tại. Điều này có thể dẫn đến mất tiền và rủi ro về bảo mật thông tin cá nhân.

Gây trở ngại cho việc quản lý thông tin liên lạc: Sim rác có thể làm cho quản lý danh bạ và thông tin liên lạc trở nên khó khăn hơn.

Chất lượng dịch vụ kém: Một lượng lớn cuộc gọi và tin nhắn sim rác có thể gây nhiễu sóng và làm giảm chất lượng dịch vụ di động.

Rủi ro về bảo mật: Một số tin nhắn sim rác có thể chứa các liên kết độc hại hoặc yêu cầu thông tin cá nhân, có thể dẫn đến lừa đảo hoặc việc xâm nhập vào thông tin cá nhân của người dùng.
Để đối phó với sim rác, người dùng có thể sử dụng các ứng dụng và cài đặt chặn cuộc gọi và tin nhắn không mong muốn. Các nhà mạng và cơ quan quản lý cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn sim rác, nhưng vẫn còn một số thách thức liên quan đến vấn đề này.

Mua bán, sử dụng sim rác có vi phạm pháp luật?

Đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang tích cực triển khai một số giải pháp nhằm xử lý triệt để tình trạng mua bán “sim rác”.

Cụ thể, tham mưu, trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định 49/2017/NĐ-CP, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông trong việc xử lý “sim rác”, tăng hình thức và các mức xử phạt có tính răn đe như đình chỉ cung cấp dịch vụ đối với các tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng số lượng sim lớn nhưng không làm rõ được mục đích sử dụng.

Cũng theo Cục Viễn thông, theo quy định pháp luật hiện hành, các trường hợp mua bán, sử dụng sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ để sử dụng cho bất kỳ mục đích gì đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Điều này được quy định tại điểm c khoản 11 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP “Nghiêm cấm hành vi mua bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước”.

Khoản 7 Điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng đã quy định chế tài “Phạt tiền từ 30– 40 triệu đồng” đối với hành vi “Bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho simthuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung”.

Cục Viễn thông cũng yêu cầu người dân cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đăng ký thông tin thuê bao, chủ động thực hiện việc kiểm tra, hủy bỏ các sim đã đăng ký trước đây nhưng không dùng nữa, hoặc thực hiện cập nhật, đăng ký lại thông tin thuê bao để bảo đảm quyền lợi của chính bản thân mình và xã hội (nhất là trong trường hợp bị các đối tượng sử dụng các sim có thông tin của bản thân vào các hành vi vi phạm pháp luật).

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang