Đà Nẵng: Áp dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại hơn 3.600 cơ sở kinh doanh

author 13:46 11/04/2024

(VietQ.vn) - Nhằm tăng cường an toàn thực phẩm (ATTP), bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đến nay có hơn 3.613 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP.Đà Nẵng tham gia truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng Ban quản lý ATTP TP.Đà Nẵng cho biết, hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm được xây dựng với ba mục tiêu chính: Bất kỳ sản phẩm thực phẩm nào bán ra trên địa bàn TP đều có người chịu trách nhiệm; Tất cả mọi người dân đều có quyền tham gia đánh giá sản phẩm/dịch vụ về thực phẩm; Phát triển hệ thống thông tin hỗ trợ kiểm soát chất lượng, ATTP trên cơ sở ngăn ngừa các mối nguy.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải đã có hơn 3.613 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP tham gia truy xuất nguồn gốc thực phẩm, giúp người tiêu dùng và khách du lịch dễ dàng lựa chọn sản phẩm, đánh giá chất lượng. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh chưa tham gia hoặc chưa hiểu rõ về ứng dụng này do tâm lý giữ bí mật nguồn gốc hàng hóa.

Đà Nẵng ứng dụng truy xuất nguồn gốc thức phẩm cho các cơ sở kinh doanh. (Ảnh: Thùy Trang)

Ghi nhận tại một số hàng quán cà phê, ăn uống trên địa bàn quận Hải Châu, Cẩm Lệ, nhiều cơ sở kinh doanh chưa biết về ứng dụng truy xuất nguồn gốc và cũng chưa mấy mặn mà với ứng dụng vì nhiều lý do tế nhị, không muốn công khai nguồn gốc thực phẩm chế biến, bày bán. Cũng có nhiều đơn vị tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ song hầu hết là cửa hàng lớn, doanh nghiệp có quy mô.

Chị L. quản lý cửa hàng thịt trên địa bàn TP cho biết: “Mặc dù có ít người tiêu dùng yêu cầu trích xuất, quét mã QRCode về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nhưng vì trách nhiệm cộng đồng nên cơ sở chủ động tham gia. Khi tham gia, công ty được cán bộ hướng dẫn các quy định để thực hiện công tác chế biến thực phẩm đảm bảo hơn, nhất là khi được gắn mã QRCode, chất lượng sản phẩm và uy tín doanh nghiệp được nâng lên và kinh doanh cũng yên tâm hơn”.

Thời gian tới, Ban quản lý Ban ATTP TP.Đà Nẵng sẽ tuyên truyền hướng dẫn người dân tham gia đăng ký truy xuất nguồn gốc thực phẩm để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và quyền lợi của cơ sở kinh doanh. “Tuyên truyền để các doanh nghiệp thấy việc tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững. Về phía người tiêu dùng sẽ thấy được quyền lợi của mình khi có sẵn công cụ kiểm tra nguồn gốc thực phẩm của cơ sở kinh doanh", ông Hải cho biết thêm.

Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 28 tháng 3 năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6 năm 2024. Văn bản này yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi xây dựng dữ liệu phải đảm bảo tối thiểu 10 thông tin:

1- Tên sản phẩm, hàng hóa;

2- Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa;

3- Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh;

4- Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh;

5- Các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (bao gồm tối thiểu thông tin: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn);

6- Thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra);

7- Mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa;

8- Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có);

9- Thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có);

10- Các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng.

Thông tin này được in mã gắn trên bao bì sản phẩm và được kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Người tiêu dùng có thể tra cứu hạn sử dụng, nguồn gốc của sản phẩm.

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp các bộ có liên quan xây dựng và công bố 30 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc.

 Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang