Đài Loan sửa đổi quy định mới về ghi nhãn mật ong và sửa đổi tiêu chuẩn dư lượng thuốc trừ sâu

author 16:27 02/06/2022

(VietQ.vn) - Đài Loan đang có những thay đổi quy định về ghi nhãn mật ong và sửa đổi tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu.

Cơ quan Y tế và Phúc lợi Đài Loan (MOHW) đã phát hành Thông báo số 1111300822 ngày 11/5/2022 về Quy định quản lý việc ghi nhãn mật ong đóng gói sẵn và các sản phẩm xi-rô từ mật ong (Regulations Governing the Labeling of Prepackaged Honey and its Syrup Products).

Quy định này của Đài Loan được xây dựng dựa theo Khoản 10 Mục 1 Điều 22 Luật quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của Đài Loan và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Nội dung chủ yếu gồm:

Mật ong đóng gói sẵn và các sản phẩm siro có hàm lượng mật ong ≥ 60%, cỡ chữ của tên sản phẩm phải nhất quán và phải đáp ứng các yêu cầu sau: (1) Đối với sản phẩm có thêm đường (xi-rô), tên sản phẩm phải được ghi "Mật ong bổ sung đường" hoặc các từ tương đương; (2) Đối với nguyên liệu thô khác không phải là đường (xi-rô) được thêm vào nhưng không thêm đường (xi-rô), thì tên của sản phẩm phải được đánh dấu bằng "Mật ong có chứa 〇〇 (với 〇〇 là tên của nguyên liệu không phải là mật ong)" hoặc "Mật ong hỗn hợp/ điều chế" hoặc các từ có nghĩa tương đương.

Đài Loan thông báo về quy định quản lý việc ghi nhãn mật ong xuất khẩu 

Mật ong đóng gói và các sản phẩm siro có hàm lượng mật ong dưới 60% mà tên sản phẩm có từ "mật ong (honey)", cỡ chữ của tên sản phẩm phải nhất quán với nhãn ghi rõ "Khẩu vị/ phong vị mật ong" hoặc các từ có nghĩa tương đương.

Nguồn gốc (nước) xuất xứ nguyên liệu thô của mật ong phải được ghi rõ trên bao bì mật ong và các sản phẩm xi-rô đóng gói sẵn, đồng thời căn cứ trên hàm lượng lần lượt ghi theo thứ tự giảm dần.

Sản phẩm mật ong đóng gói sẵn dán nhãn là "Mật ong", "Mật ong 100%", "Mật ong nguyên chất" hoặc các từ tương đương là các sản phẩm có thành phần chỉ là mật ong. Đối với các sản phẩm siro không có mật ong, tên của sản phẩm sẽ không được dán nhãn có ghi “mật ong/ honey” hoặc các từ tương đương.

Việc ghi nhãn của sản phẩm không tuân thủ quy định này nếu phát hiện không trung thực, sai lệch, phóng đại hoặc gây hiểu nhầm vv... sẽ bị phạt theo các quy định có liên quan của luật này.

Trước đó, Cơ quan Y tế và Phúc lợi Đài Loan (MOHW) cũng cho đăng thông báo về việc sửa đổi Phụ lục 1 Điều 3 và Phụ lục 5 Điều 6 của "Tiêu chuẩn về giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm" và Điều 3 của "Tiêu chuẩn về giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm động vật" (The amendment on Appendix 1 of Article 3 and Appendix 5 of Article 6 of "Standards for Pesticide Residue Limits in Foods" and Article 3 of “Standards for Pesticide Residue Limits in Animal Products”).

Dư lượng thuốc BVPV trong thực phẩm là vấn đề rất được quan tâm. 

Theo đó, Phụ lục 1 Điều 3 và Phụ lục 5 Điều 6 của "Tiêu chuẩn về giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm", Đài Loan đã (i) Hiệu chỉnh 58 tiêu chuẩn dư lượng cho phép đối với 30 loại thuốc trừ sâu như Acequinocyl vv...; Phun spiromesifen trên dưa lưới, dưa vàng vv... gộp vào dưa và trái cây; dưa chuột, bí ngòi vv... gộp vào dưa và rau, xóa bốn tiêu chí ban đầu (Phụ lục 1 Điều 3); (ii) Bổ sung rau mầm đá cải bẹ xanh hay cải cay/ cải giới tử (Brassica juncea) thuộc loại rau ăn lá cuộn họ cải.

Trong khi Điều 3 của "Tiêu chuẩn về giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm động vật", Đài Loan sửa đổi tiêu chuẩn dung lượng cho phép bổ sung Boscalid và sáu loại thuốc trừ sâu đồng thời xóa Azocyclotin và sáu loại thuốc trừ sâu trong gia cầm và các sản phẩm chăn nuôi quy định tại Điều 3 của "Tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm động vật".

Đài Loan là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng với thị hiếu đa dạng, đồng thời nước này đóng vai trò trung gian cho nhiều chủng loại sản phẩm của Việt Nam xuất sang các thị trường Âu, Mỹ và Đông Á. Đài Loan đã vượt Đức trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam.

Những năm gần đây, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Đài Loan có những chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng xuất khẩu cho các nhóm mặt hàng khoáng sản thô, nguyên liệu, nhiên liệu và tăng dần với các mặt hàng nông lâm thủy sản và hàng công nghiệp chế biến trở thành nhóm sản phẩm chủ lực.

Thị trường Đài Loan còn nhiều tiềm năng nhập khẩu cho các mặt hàng nông lâm, thủy sản của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu thực phẩm, hàng hóa của Đài Loan cao để phục vụ thị trường trong nước cũng như cho lượng khách du lịch đông đảo đến đây.

Mai Đức

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang