Đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm

author 07:03 07/12/2023

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý biến động bất thường của thị trường.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

 Đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng tiêu dùng đang nỗ lực tăng ca, bố trí nhân viên sản xuất để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân dịp cuối năm. Chủ động tìm kiếm đơn hàng, thay đổi đa dạng mẫu mã, tìm nguồn nguyên liệu sản xuất an toàn là cách mà nhiều doanh nghiệp thay đổi cho dịp Tết năm nay.

Bà Trần Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn CTCP Tràng An cho biết: "Để chủ động tất cả nguồn lực từ nguyên liệu, nguồn lực con người và mẫu mã bao bì mới đa dạng cho vụ Tết này, chúng tôi có kế hoạch từ rất sớm lựa chọn nguyên liệu chất lượng tốt giá cả hợp lý, tối ưu hóa giá nguyên liệu và giá thành sản phẩm. Chúng tôi cũng duy trì chính sách đãi ngộ tốt cho người lao động để giữ chân họ làm việc ổn định".

Không xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ, bình ổn giá cả, tăng thêm khuyến mại cũng là tiêu chí của các doanh nghiệp phân phối để Tết không là gánh nặng kinh tế với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Chuỗi Winmart nói: "Lượng hàng hóa chúng tôi chuẩn bị tăng 20% so với năm ngoái. Giỏ hàng tết năm nay cũng theo sẽ chuẩn bị theo hướng là tết trọn vị, đủ phân khúc giá thành cho người dân".

Theo Sở Công Thương Thành phố Hà Nội, đến thời điểm này, 11 mặt hàng thiết yếu đã được các doanh nghiệp đăng ký bình ổn giá. Sẽ không có tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP.Hà Nội nhận định: "Lượng hàng hóa các doanh nghiệp dự trữ tăng 10% so với tết năm ngoái, tổng mức dự trữ hàng hóa lên đến 40.900 tỷ đồng. Các Sở Công Thương địa phương khác cũng đã gửi danh sách sản phẩm địa phương cần kết nối tiêu thụ cho Hà Nội".

Ngoài ra, Sở Công Thương yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết cần chủ động có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu; thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết.

Các đơn vị sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng Tết có kế hoạch phù hợp để hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.

Các hiệp hội ngành hàng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương rà soát cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để phối hợp đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ứng phó kịp thời với những biến động bất thường nhằm bình ổn thị trường khi cần thiết. Chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, kinh doanh, chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ nguồn hàng cho thị trường.

Nguyễn Phát

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang