Đánh giá tác động của hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU đối với thương mại song phương

author 08:59 14/08/2022

(VietQ.vn) - Bài viết này nhằm ước tính hiệu ứng ròng đối với khối lượng hàng hóa cảng được tạo ra bởi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) bằng cách phân tích thực nghiệm về hàng hóa cảng, sử dụng các mô hình trọng lực.

Kết quả thử nghiệm của chúng tôi cho thấy các hiệu ứng ròng của EVFFTA có tác động tích cực đáng kể tới thương mại song phương cả hai bên và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ phía EU. Tuy nhiên, kết quả ước lượng lại không thể hiện rõ tác động tích cực từ Hiệp định tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước EU. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm tận dụng tốt hơn các cơ hội từ việc ký kết hiệp định EVFTA.

Ảnh minh họa ( nguồn internet)  

Giới thiệu

Mục đích chính của Hiệp định thương mại tự do (FTA) là thúc đẩy thương mại quốc tế giữa các quốc gia liên quan cho phép cải thiện phân bổ nguồn lực. Với việc tăng cường năng suất và tích lũy vốn trong quá trình này, nó sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế lâu dài. Các FTA đang trở thành một đặc điểm nổi bật trong hệ thống thương mại thế giới: năm 1990, 27 FTA đã được báo cáo lên GATT và con số này tăng lên 421 vào tháng 12 năm 2008. Hơn 90% thành viên của WTO là thành viên tham gia các FTA.

Sự gia tăng đáng kể các FTA này được thúc đẩy bởi sự thất bại của các cuộc đàm phán thương mại quốc tế tại WTO. Các tác động có thể có của các FTA sau khi được ký kết có thể là GDP, cán cân thương mại, điều khoản thương mại, giá trị xuất nhập khẩu trong một lĩnh vực cụ thể, sản lượng và giá trị thương mại trong các lĩnh vực khác nhau trong nước, phúc lợi quốc gia (Witada, 2015).

Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực ký kết FTA với các đối tác giao dịch quan trọng của mình trên thế giới. Kết quả, tính đến tháng 9/2020, Việt Nam đã có 13 FTA có hiệu lực và hiện đang đàm phán 03 FTA. Trong số 13 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Bảng 1. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã tham gia. Nguồn: Đề cương tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, Tài liệu gửi kèm theo Công văn số: 1288/TTCS-TT ngày 30/12/2020.

Trong các hiệp định được ký kết, EVFTA được kỳ vọng mang đến nhiều cơ hội và lợi ích cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam. EVFTA là FTA thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia. Việc kết thúc đàm phán, ký kết và tiến tới phê chuẩn Hiệp định là một chặng đường dài với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước ta.

Đây cũng là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiệp định gồm 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính, đó là: Thương mại hàng hóa gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường; quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm; các rào cản kỹ thuật trong thương mại; thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại; cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước; mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ; thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực; các vấn đề pháp lý - thể chế.

Tính đến nay, Hiệp định EVFTA có hiệu lực gần 2 năm kể từ ngày ký. Việc đo lường tác động của Hiệp định tới nền kinh tế Việt Nam là rất cần thiết. Bài viết nhằm đo lường các tác động về mặt giá trị thương mại của Hiệp định này đối với các quốc gia liên quan.

Tổng quan nghiên cứu

Đã có một số nghiên cứu nhằm phân tích tác động tác động của hiệp định EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam (Nguyễn Đức Thành, Phạm Văn Long, Phan Nhật Quang, Đỗ Thị Lê (2021); Nguyễn Tiến Hoàng, Trần Thị Vân (2021); Duc Trong Tran, Van Thu Bui, Ngoc Minh Vu, Tung Son Pham, Hue Minh Truong, Thuy Thu Dang, Tu Van Trinh (2021)).

Dựa trên dữ liệu thương mại giữa các đối tác EVFTA, các mô hình phân tích khác nhau đã được phát triển để ước tính các tác động đến sản xuất, giá trị gia tăng và việc làm. Tác động (lợi ích) của việc cắt giảm và loại bỏ thuế quan được tập trung nghiên cứu theo cả phương pháp định tính và định lượng. Nguyễn Đức Thành, Phạm Văn Long, Phan Nhật Quang, Đỗ Thị Lê (2021) đã tóm tắt những điểm chính của hiệp định EVFTA. Sau đó, đánh giá tổng thể tác động của EVFTA đến nền kinh tế Việt Nam sau khi có hiệu lực và tìm ra những thay đổi trong hành vi của nhân viên Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và chủ doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh mới. Cuối cùng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lúc bây giờ, nhóm tác giả đã đề xuất và khuyến nghị nhằm cải tiến các chính sách, quy định và luật pháp nhằm đáp ứng với các yêu cầu của Hiệp định.

Nguyễn Tiến Hoàng, Trần Thị Vân (2021) phân tích tác động thuế quan của EVFTA đối với nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam từ thị trường EU, bao gồm 4 nhóm tác động: tác động tạo thương mại, tác động chuyển hướng thương mại, thu thuế và tác động phúc lợi. Để đánh giá tác động của chính sách thuế quan trong EVFTA đối với nhập khẩu dược phẩm, nhóm tác giả sử dụng mô hình SMART cùng với phân tích định tính. Theo đó, kết quả nghiên cứu cho thấy tác động tạo ra thương mại được kỳ vọng sẽ lớn hơn tác động chuyển hướng thương mại, tổng thu thuế quan sẽ giảm trong khi phúc lợi xã hội được dự đoán sẽ tăng lên khi EVFTA có hiệu lực.

Trên cơ sở phân tích, các khuyến nghị cho chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan được đưa ra, Duc Trong Tran, Van Thu Bui, Ngoc Minh Vu, Tung Son Pham, Hue Minh Truong, Thuy Thu Dang, Tu Van Trinh (2021) sử dụng phương pháp phân tích định lượng thông qua mô hình WITS-SMART với dữ liệu về kim ngạch xuất khẩu và cắt giảm thuế quan song song với việc phân tích sự thay đổi của các nhân tố ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại trái cây giữa hai thị trường khi EVFTA có hiệu lực.

Kết quả là, nhập khẩu trái cây của Việt Nam từ EU dự kiến sẽ leo thang 29,18% vào năm 2021, trong khi dòng xuất khẩu sẽ chỉ nhích lên 0,955%, khá thấp so với mức tăng giá trị nhập khẩu. Do đó, Việt Nam phải đưa ra các chính sách hiệu quả để đổi mới phương thức sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, để EVFTA có thể được sử dụng để thúc đẩy xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang EU.

Ủy ban châu Âu (2018) thực hiện nghiên cứu sử dụng mô hình cân bằng tổng thể nhằm phân tích tác động của Hiệp định EVFTA đối với EU và Việt Nam, trong đó ngành dược phẩm được đưa vào phân tích như một khía cạnh của tác động kinh tế. Kết quả nghiên cứu thể hiện xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 29%, ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU dự đoán sẽ tăng lên 18%. Cụ thể, tác động lớn nhất đối với nhập khẩu của Việt Nam từ EU thuộc về mặt hàng phương tiện xe cơ giới với giá trị tăng lên tới 1,5 tỷ Euro, đứng thứ hai là ngành hóa chất, trong đó có nhóm mặt hàng dược phẩm, ước tính tăng 655 triệu Euro.

Tuy nhiên, có thể thấy, trong các nghiên cứu trên, chưa có nghiên cứu nào ứng dụng mô hình trọng lực nhằm chỉ ra mức độ tác động của hiệp định này tới nền kinh tế các nước liên quan. Bài viết này áp dụng mô hình trọng lực để ước tính tác động thuế quan của hiệp định EVFTA đối với cả giá trị xuất khẩu, nhập khẩu, tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Mô hình phân tích thực nghiệm

Mô hình nghiên cứu

Hiệp đinh EVFTA có mang lại tác động tích cực đến các ngành cụ thể như dự kiến ban đầu? Để trả lời câu hỏi này, các phương pháp tiếp cận hậu kỳ trả lời câu hỏi này bằng cách ước tính điều gì sẽ xảy ra đối với các dòng thương mại nếu không có FTA. Do đó phải tạo ra một kịch bản ngược lại so với thực tế, từ đó so sánh dòng chảy giả định và dòng chảy thực tế. Bằng cách này, mô hình trọng lực được dùng để ước tính mức độ thay đổi trong dòng chảy thương mại tới các nước liên quan.

Mô hình trọng lực ngày nay đã rất phổ biến trong tài liệu, được sử dụng rộng rãi để mô hình hóa thương mại nông nghiệp và nghiên cứu tác động thực nghiệm của các hiệp định thương mại. Ban đầu, mô hình bắt nguồn từ mô hình trọng lực được rút ra từ Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton năm 1687. Người đầu tiên đưa ra ý tưởng là Ravenstein (1885), sau đó Tinbergen lần đầu tiên xây dựng phương trình kinh tế lượng cho mô hình này với ba biến đơn giản là thu nhập quốc gia (quốc gia xuất khẩu), thu nhập quốc gia (quốc gia nhập khẩu) và khoảng cách hai quốc gia. Cho đến nay, các kết quả nghiên cứu của mô hình đã giải thích gần như tuyệt đối các vấn đề của mô hình trọng lực truyền thống ban đầu.

Để đạt được kết quả nghiên cứu chính xác, không chệch, đáng tin cậy, làm cơ sở cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách, mô hình cần đảm bảo phù hợp trong cả ba vấn đề là: lựa chọn biến, lựa chọn dữ liệu, lựa chọn phương pháp ước lượng. Nhiều nhà kinh tế lượng đã tập trung nghiên cứu việc lựa chọn biến để đảm bảo một mô hình tốt nhất. Trong đó, Baltagi (2003) đã dựa trên nền tảng cơ bản của mô hình trọng lực, kết hợp các lý thuyết của các nhà khoa học thuộc trường phái Thương mại mới (Helpman và Krugman, 1985) rằng thương mại song phương phụ thuộc vào lợi thế theo quy mô của các quốc gia đó, cũng như sự tương đồng về quy mô như theo lý thuyết của Linder (1963), và sự khác biệt hóa sản phẩm để chỉ ra ba biến quan trọng có ảnh hưởng đến thương mại song phương đó là: Tổng GDP thực tế của hai quốc gia làm thước đo quy mô tổng thể song phương hai quốc gia; chỉ số tương đồng của hai đối tác thương mại GDP như một thước đo về tính tương đồng về quy mô quốc gia giữa hai quốc gia; (3) và sự khác biệt tuyệt đối về các yếu tố tài trợ. Kết quả nghiên cứu được nhiều nhà khoa học khác ứng dụng và mang lại kết quả tốt.

Trong nghiên cứu này, tác giả giữ nguyên biến khoảng cách địa lý như mô hình trọng lực gốc để đo lường ảnh hưởng của chi phí vận chuyển. Đồng thời, bổ sung các biến như trong nghiên cứu của Baltagi (2003) như đã nói ở trên. Như vậy, các biến được lựa chọn đưa vào mô hình như sau:

Bảng 1: Nguồn dữ liệu nghiên cứu.

Trong đó:

LGDT = log(GDPVN+GDPJ) LSIM = log[1-(GDPVN/(GDPVN+GDPJ)2 - (GDPJ/(GDPVN+GDPJ)2] LRFAC = |log(GDPVN/capitalVN)-log(GDPJ/capitalJ)|

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp ước lượng OLS thông thường. Các phương trình ước lượng lúc này như sau:
- Mô hình 1: LTRADE = α + β1LGDT + β2LSIM + β3LFRAC + β4LDIS + εijt

- Mô hình 2: LIMP = α + β1LGDT + β2LSIM + β3LFRAC + β4LDIS + εijt

- Mô hình 3: LEX = α + β1LGDT + β2LSIM + β3LFRAC + β4LDIS + εijt 3.3.

Dữ liệu nghiên cứu

Để đạt được phân tích thống kê có ý nghĩa, chúng tôi đã mở rộng tới đa giới hạn các quốc gia được đưa vào nghiên cứu. Theo đó, dữ liệu không gian bao gồm Việt Nam và 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu EU hiện nay. Về thời gian, căn cứ vào mức độ khai thác tối đa các dữ liệu thương mại trên trang web của Trung tâm thương mại quốc tế - ITC (https://www.trademap.org/), tác giả sử dụng bộ dữ liệu thương mại từ 2001 đến 2020 (20 năm) để đưa vào nghiên cứu.

Lưu ý rằng, đối tượng nghiên cứu ở đây bao gồm cả thương mại xuất khẩu tổng cộng các loại hàng hóa từ Việt Nam sang các nước thuộc EU và xuất khẩu tổng cộng tất cả hàng hóa từ các nước thuộc EU sang Việt Nam và tổng thương mại hai chiều đối với tất cả hàng hóa giữa Việt Nam và EU trong thời gian nghiên cứu.

Bảng 2. Thống kê mô tả các biến đưa vào nghiên cứu. 

Một số giá trị xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại song phương giữa các quốc gia sẽ bằng 0 ở một số thời điểm (không có giao dịch với nhau). Điều này dẫn đến các logaris của các biến liên quan sẽ không có giá trị và bị loại bỏ. Để khắc phục vấn đề này, tác giả cộng thêm một giá trị nhỏ (0.001) để đảm bảo số quan sát tối ưu và không làm thay đổi đáng kể kết quả ước lượng như nhiều nghiên cứu vẫn thường làm.

Kết quả nghiên cứu

Trên Stata 14.0, tác giả tiến hành ước lượng mô hình trọng lực của thương mại giữa Việt Nam và nước EU bằng phương pháp OLS với các biến phụ thuộc lần lượt là giá trị xuất khẩu, giá trị nhập khẩu, thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước EU. Kết quả thu được như sau:

- Mô hình 1 LTRADE1 Hệ số Độ lệch chuẩn Hệ số p
LGDT 2.19 0.07 0.00

LSIM 0.79 0.14 0.00

LDIS -1.22 0.49 0.02

EVFTA 0.16 0.06 0.01

LRFAC -0.16 0.17 0.35

Hằng số -33.96 3.80 0.00

- Mô hình 2

LIMP1 Hệ số Độ lệch chuẩn Hệ số p

LGDT 2.37 0.11 0.00

LSIM 0.84 0.18 0.00

LDIS -3.09 0.74 0.00

EVFTA 0.21 0.06 0.00

LRFAC 0.36 0.17 0.05

Hằng số -23.94 4.86 0.00

- Mô hình 3

LEX1 Hệ số Độ lệch chuẩn Hệ số p

LGDT 2.28 0.10 0.00

LSIM 0.81 0.19 0.00

LDIS -1.26 0.55 0.03

EVFTA 0.01 0.09 0.93

LRFAC -0.59 0.25 0.03

Hằng số -35.63 3.32 0.00

Kết quả nghiên cứu từ mô hình cho thấy, EVFTA có tác động tích cực đáng kể đối với nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ EU và tổng giá trị thương mại song phương giữa Việt Nam và EU. Đặc biệt là giá trị nhập khẩu hàng hóa. Đối với giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang các nước EU, biến giả EVFTA không có ý nghĩa thống kê.

Kết luận

Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy EVFTA sẽ thúc đẩy và gia tăng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ EU khoảng 0.21% và dẫn tới tổng giá trị thương mại song phương tăng 0.16%. Điều này chứng tỏ, các doanh nghiệp EU đã khai thác tốt lợi thế từ Hiệp định và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể hiện rõ điều này. Điều này có thể do doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các cơ hội, hoặc hàng hóa của chúng ta chưa đạt các tiêu chuẩn chất lượng để thâm nhập vào thị trường này, hoặc các hàng rào phi thuế quan từ phía EU quá khắt khe và thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp của chúng ta không kịp thích ứng.

Dựa trên những phân tích kết quả nghiên cứu và cơ sở khoa học, tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách như sau: Thứ nhất, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ, đặc biệt về vốn và công nghệ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm. Thứ hai, cần có các chỉ dẫn, hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp hiểu rõ và nắm bắt được các quy định về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nói riêng và vượt qua các hàng rào phi thuế quan nói chung. Thứ ba, cần có các hội nghị, hội thảo và chương trình phổ biến các điều khoản của Hiệp định tới doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt hơn các lợi thế từ việc ký kết Hiệp định.

Nguyễn Thị Thơ - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang